Tập đoàn Thái Tuấn chậm thanh toán hơn 840 tỷ đồng nợ trái phiếu: Hé lộ ông chủ và năng lực tài chính

07/05/2023 07:21 GMT+7
Tính đến cuối năm 2022, tổng số tiền gốc và lãi trái phiếu Tập đoàn Thái Tuấn chưa thanh toán là 843,8 tỷ đồng nguyên nhân do chưa thu xếp được nguồn tiền.

Tập đoàn Thái Tuấn chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu hơn 840 tỷ đồng 

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi năm 2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn (Tập đoàn Thái Tuấn).

Cụ thể, Tập đoàn Thái Tuấn có 2 lô trái phiếu đang lưu hành, một lô trị giá 300 tỷ đồng, phát hành ngày 12/4/2021, kỳ hạn 18 tháng (đáo hạn ngày 12/10/2022); một lô trị giá 500 tỷ đồng, phát hành ngày 20/5/2021, cũng với kỳ hạn 18 tháng (đáo hạn ngày 20/11/2022).

Tuy nhiên đến kỳ đáo hạn 2 lô trái phiếu trên, Thái Tuấn chưa thể thanh toán tiền gốc do chưa thu xếp được nguồn thanh toán. Về tiền lãi, với lô 300 tỷ đồng, tính tới ngày 12/4/2022, công ty đã thanh toán 16,5 tỷ đồng trong tổng số gần 33 tỷ đồng tiền lãi. Với lô 500 tỷ đồng, tính tới ngày 20/5/2022, công ty đã thanh toán 27,7 tỷ đồng trong tổng số 55 tỷ đồng tiền lãi.

Tập đoàn Thái Tuấn chậm thanh toán hơn 840 tỷ đồng nợ trái phiếu: Hé lộ ông chủ và năng lực tài chính - Ảnh 1.

Thái Tuấn nổi tiếng với thương hiệu vải Thái Tuấn, chuyên sản xuất vải dệt jacquard, vải in bông trên công nghệ in digital, vải đơn sắc, vải đa sắc…

Như vậy, Tập đoàn Thái Tuấn mới chỉ mới thanh toán được một nửa trên tổng số tiền lãi phải trả của mỗi trái phiếu. Số tiền thanh toán gốc 800 tỷ đồng chưa được thanh toán.

Tổng cộng, công ty này đã chậm thanh toán 844 tỷ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu, tính đến thời điểm cuối năm 2022.

Hai lô trái phiếu của Thái Tuấn được phát hành riêng lẻ thông qua đại lý phát hành. Lãi suất 11%/năm, trả lãi 6 tháng/lần.

Đây là loại trái phiếu “2 không, 1 có”, bao gồm không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Hình thức đảm bảo trái phiếu là bảo lãnh thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Tài sản đảm bảo của trái phiếu 300 tỷ đồng là 20 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn Thái Tuấn (tổng mệnh giá là 200 tỷ đồng); nhà ở và quyền sử dụng đất tại số 07, 08, 09 Trang Tử, phường 14, quận 5, TP HCM và 2,6 ha đất tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (tổng giá trị 210 tỷ đồng, định giá bởi CTCP Giám định và Thẩm định tài sản Việt Nam).

Còn tài sản đảm bảo của lô trái phiếu 500 tỷ đồng là hơn 16 triệu cổ phần của công ty, tổng giá trị gần 810 tỷ đồng, tương đương mỗi cổ phần có giá trị 50.450 đồng.

Hé mở về Tập đoàn Thái Tuấn

Thái Tuấn nổi tiếng với thương hiệu vải Thái Tuấn, chuyên sản xuất vải dệt jacquard, vải in bông trên công nghệ in digital, vải đơn sắc, vải đa sắc…

Tập đoàn Thái Tuấn có tên ban đầu là Công ty cổ phần Tập đoàn thời trang Thái Tuấn, thành lập ngày 27/12/2007, sau đổi thành Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn. Thời điểm tháng 9/2020, công ty giảm vốn điều lệ từ 113,1 tỷ đồng xuống 98,5 tỷ đồng. Đại diện pháp luật khi này là ông Thái Tuấn Chí (SN 1963) kiêm Tổng Giám đốc.

Đến tháng 10/2020, Tập đoàn thay đổi người đại diện từ ông Thái Tuấn Chí sang Trần Hoài Nam (SN 1983), kiêm Tổng Giám đốc công ty.

Tập đoàn Thái Tuấn chậm thanh toán hơn 840 tỷ đồng nợ trái phiếu: Hé lộ ông chủ và năng lực tài chính - Ảnh 2.

Quá trình tăng vốn điều lệ của Tập đoàn Thái Tuấn (tỷ đồng).

Đến tháng 11/2020, Công ty tăng vốn lên 380 tỷ đồng. Tại thay đổi tháng 8/2021 Tập đoàn Thái Tuấn tăng vốn gấp 4,4 lần lên 1.680 tỷ đồng và không rõ cổ đông sáng lập. Khi này đại diện pháp luật của công ty là ông Trần Hoài Nam.

Theo dữ liệu Vietnamdaily, năm 2018 Thái Tuấn ghi nhận doanh thu 818 tỷ đồng; lợi nhuận khác lỗ tới 51 tỷ nên công ty lỗ hơn 9,4 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu Thái Tuấn giảm nhẹ xuống 785 tỷ đồng, lãi ròng gần 17 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Thái Tuấn Fashion đạt 512,8 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 216,6 tỉ đồng

Năm 2020, Thái Tuấn chỉ ghi nhận doanh thu giảm tới 44% xuống 441 tỷ đồng nhưng vẫn lãi ròng 19 tỷ đồng.

Đến năm 2021 doanh thu tăng lên với 879 tỷ nhưng lợi nhuận lại giảm xuống còn 13,4 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của Thái Tuấn tăng đột biến gấp 5,1 lần lên 3.142 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu tập trung vào các khoản phải thu ngắn hạn gấp 5,6 lần chiếm 2.103 tỷ đồng; Tiền mặt cũng tăng mạnh lên 40 tỷ đồng; Chi phí xây dựng cơ bản dở dạng vọt lên gần 298 tỷ. Trong cơ cấu nợ, vay nợ tài chính 1.188 tỷ đồng, gấp 7,5 lần đầu kỳ.

Về người đại diện pháp luật của Thái Tuấn, hồi tháng 6/2022, ông Trần Hoài Nam được bầu vào vị trí thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YEG). Tuy nhiên đến cuối tháng 12/2022, ông Nam đã có đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT YEG với lý do công việc cá nhân.

Ngoài là đại diện của Tập đoàn Thái Tuấn, dữ liệu còn cho thấy ông Trần Hoài Nam là đại diện của Công ty TNHH Dệt Thái Tuấn (thành lập tháng 10/2008). Công ty có vốn điều lệ 64 tỷ đồng trong đó Tập đoàn Thái Tuấn góp 99%, bà Thái Kim Cúc góp 1%.

Ông Nam cũng là đại diện của Công ty TNHH Lụa Thái Tuấn (thành lập 2009). Công ty có vốn điều lệ 380 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Thái Tuấn góp 99%, ông Trần Hoài Nam góp 1%...

Ngoài ra, ông Nam cũng là đại diện của Công ty CP Del Tech, Công ty CP - Tổng Công ty Dâu tơ tằm Việt Nam, Công ty TNHH Biophar, Công ty TNHH Thời trang Thái Tuấn...


O.L
Cùng chuyên mục