Tập trung 6 ngành chủ đạo phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

12/06/2022 16:30 GMT+7
Việt Nam là quốc gia biển với gần 50% dân số sinh sống ở vùng duyên hải. Bờ biển nước ta dài hơn 3.260km, với hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 12/6, tại TP.Tuy Hòa, Ban Kinh tế trung ương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022.

Tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam là quốc gia biển với gần 50% dân số sinh sống ở vùng duyên hải. Bờ biển nước ta dài hơn 3.260km, với hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tập trung 6 ngành chủ đạo phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam - Ảnh 1.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Ảnh: Hà My

Các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng khoảng 1 triệu km2. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển. Biển nước ta giàu tài nguyên thiên nhiên, là không gian sinh tồn của người dân, là địa bàn chiến lược trong bảo vệ và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, quy mô kinh tế biển Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế biển, các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, cứu hộ cứu nạn,… ven biển còn nhỏ, trang bị thô sơ, năng lực còn yếu, môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thuỷ sản đang giảm sút nghiêm trọng thiếu bền vững.

Tập trung 6 ngành chủ đạo phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam - Ảnh 2.

Cá biển về cảng Tuy Hòa, Phú Yên. Ảnh: Hùng Phiên

"Trong quá trình khai thác và sử dụng biển, chúng ta đang phải đối mặt với một số vấn đề như ô nhiễm môi trường biển, trong đó có rác thải nhựa đại dương; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng còn nhiều hạn chế; phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hoà với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường", Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhân mạnh.

Để quản lý và phát triển tốt nguồn tài nguyên biển, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, cần đánh giá kết quả và hạn chế trong phát triển kinh tế biển, trong đó có 6 ngành kinh tế biển chủ đạo là: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Tập trung 6 ngành chủ đạo phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam - Ảnh 3.

Kiểm tra chất lượng cá ngừ đại dương tại cảng Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Hùng Phiên

Trước đó, tối 11/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ mít tinh Kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022.  Năm nay, chủ đề của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam là "Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển" nhằm từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong khai thác, sử dụng biển và phát triển kinh tế biển ở nước ta.

Hùng Phiên
Cùng chuyên mục