Thanh toán qua ví điện tử: Bước đột phá về giao dịch thương mại
Các loại ví điện tử không chỉ thu hút khách hàng bằng miễn phí tất cả các giao dịch thanh toán, chuyển khoản và tích điểm cho người tiêu dùng thường xuyên thanh toán không dùng tiền mặt. Tiện ích của các ví điện tử mới là điều quan trọng nhất làm cho người dân thay đổi hành vi thanh toán khi mua sắm.
Ví như người dùng thẻ ngân hàng thanh toán tại điểm bán mất công cà thẻ vào máy chấp nhận thẻ (POS), người dùng thẻ thanh toán trên internet banking lại mất thời gian nhập mã OTP xác nhận chủ thẻ. Trong khi các phương thức thanh toán bằng ví điện tử chỉ cần xác thực bằng số mật khẩu hoặc vân tay trên các thiết bị điện thoại hoặc sao chụp mã phản hồi nhanh QR Code gắn trên hàng hóa dịch vụ, đã hoàn tất một thanh toán phi tiền mặt. Hơn nữa, các loại ví điện tử rất thuận tiện cho việc thanh toán những món hàng có giá trị nhỏ lẻ không cần phải chờ người bán trả lại tiền.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt của các hãng ví điện tử
Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho rằng, thanh toán di động hiện đang dần trở thành xu hướng mới, các công nghệ như mã QR, thanh toán tiếp xúc, phi tiếp xúc và số hóa thông tin thẻ ngày càng gia tăng. Một số ngân hàng hiện đang thí điểm các điểm giao dịch tự động hiện đại mới với nhiều chức năng hỗ trợ như mở tài khoản, rút nhận tiền mặt, thanh toán, chuyển tiền... hướng tới nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 02/11/2018, các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ngày càng đông đảo khi đã có tới 26 tổ chức không phải là ngân hàng được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Trong đó, có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, chia làm 2 nhóm: ví điện tử của công ty công nghệ tài chính (Fintech) và ví điện tử của công ty viễn thông.
Tương tự như ở các nước có nền thương mại điện tử phát triển, người sử dụng ở Việt Nam hiện cũng có thể nạp tiền từ tài khoản ngân hàng vào ví điện tử hoặc ngược lại, hoặc chuyển tiền dễ dàng. Thị trường ví điện tử Việt Nam cũng đang chứng kiến sự cạnh tranh khá quyết liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ, điều này góp phần tạo cho người tiêu dùng nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn một phương thức thanh toán điện tử phù hợp.
Có nhiều lý do để các ngân hàng, công ty công nghệ lẫn Fintech cùng lao vào làm ví điện tử. Cụ thể như xu hướng của thế giới về ngân hàng số, khởi nghiệp tài chính. Hay như Việt Nam là thị trường đông dân, giới trẻ nhiều, thích công nghệ, tỷ lệ dùng smartphone cao trong khi tỷ lệ chưa có tài khoản ngân hàng cũng cao.
Trong những năm vừa qua, tại thị trường Việt Nam, các công ty Fintech đã cạnh tranh quyết liệt giành thị phần béo bở này khi cho ra mắt hàng loạt các loại ví điện tử có thương hiệu: Momo, Samsung Pay, VTC Pay, Bankplus, Payoo, ZaloPay, 1Pay, Bảo Kim, Vimo, Mobivi, eDong, Ví FPT, eMonkey, Pay365, TopPay, Ngân Lượng, AirPay…
Tính hết tháng 6/2018, MoMo là đối tác của 15 ngân hàng và thẻ quốc tế, đã có khoảng 8 triệu người dùng tại Việt Nam, mục tiêu tăng lên 16 triệu người dùng vào năm 2019. MoMo cũng đã đạt tới 200 triệu giao dịch/năm với tổng giá trị thanh toán đạt 1,2 tỷ USD/năm.
Còn Payoo, thống kê của công ty này cho biết, Payoo đã kết nối trực tiếp với 30 ngân hàng, liên kết với hơn 6.000 điểm giao dịch trên toàn quốc là các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cửa hàng điện máy… nhằm giúp khách hàng có thể thanh toán hơn 200 loại hóa đơn tiện ích khác nhau. Tổng giá trị giao dịch qua Payoo đã đạt khoảng 2 tỷ USD/năm.
ZaloPay hoạt động từ đầu năm 2018, sau 01 tháng triển khai cũng đã đạt hơn 1,3 triệu lượt người dùng. Viettel Pay mới ra mắt ngày 29/6/2018 hiện đã vượt ngưỡng 01 triệu người dùng. Ví Việt cũng đạt 2,3 triệu người dùng và hơn 22.000 điểm chấp nhận thanh toán trên cả nước…
Với những ưu điểm mà ví điện tử mang lại cùng đà tăng trưởng giao dịch thông qua ví điện tử hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện thành công mục tiêu Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt mà Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt.
Tuy nhiên, với quy mô dân số Việt Nam hơn 95 triệu người, trung bình mỗi người sở hữu 1,13 chiếc điện thoại, 56% có kết nối Internet thì ví điện tử hiện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng người dùng. Vấn đề đặt ra là các công ty Fintech sở hữu ví điện tử cần cần có những chiến lược mạnh mẽ, tích cực hơn nữa để thay đổi dần hành vi thanh toán của người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển vì một xã hội không tiền mặt.