Tháo rào cản “tài sản thế chấp” để vốn chảy về doanh nghiệp
(Ảnh minh họa)
Luẩn quẩn bài toán “tài sản thế chấp”
Bà Trần Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam cho biết, doanh nghiệp rất cần vốn, ngân hàng cũng rất cần giải ngân, nhưng hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là tài sản thế chấp.
Theo bà Hằng, doanh nghiệp đang được vay vốn với mức lãi suất khá thấp, nhưng cần có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, có bao nhiêu tài sản đều đã mang đi thế chấp hết nên doanh nghiệp rất khó khăn khi muốn mở rộng sản xuất. Ngân hàng cho biết, trường hợp doanh nghiệp có sổ tiết kiệm ngân hàng thì có thể thế chấp bằng tài khoản tiết kiệm đó.
“Nếu có tiền tiết kiệm ngân hàng, chúng tôi đã không phải đi vay. Còn muốn mang sổ đỏ đi thế chấp, thì phải có sự đồng ý của cả gia đình. Tôi đã từng mang sổ đỏ giá trị gần 10 tỷ đồng đi vay 300 triệu đồng, nhưng không được chấp nhận do thiếu chữ ký của chồng tôi lúc đó đang đi nước ngoài, dẫn đến lỡ cơ hội của doanh nghiệp. Đây là vòng luẩn quẩn cần được các ngân hàng tháo gỡ”, bà Hằng chia sẻ.
Vấn đề mà nữ doanh nhân này nêu tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp mới được tổ chức tại Hà Nội tuy không mới, nhưng là nỗi bức xúc thường trực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. “Ở đâu cũng nói thiếu vốn, nhưng mức độ tha thiết đi tìm nguồn vốn lại chưa nhiều, nên vốn có mà không nhiều người vay và vay được”, ông Thân nói.
Ông Thân phân tích, một bài toán khó hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp do thông tin chưa minh bạch, một số doanh nghiệp thường xử lý số liệu trước khi gửi hồ sơ vay đến ngân hàng.
Có cùng quan điểm trên, ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, các chương trình, chính sách cho vay đối với doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô nhỏ, trình độ quản lý và áp dụng khoa học vào sản xuất - kinh doanh còn hạn chế; hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch và chiến lược cụ thể. Các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, hỗ trợ vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Nỗ lực tìm tiếng nói chung
Ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, các ngân hàng vẫn tư duy về tính an toàn cao, hầu như chưa coi khách hàng là đối tượng cần phục vụ, việc nhân viên lăn lộn với khách hàng còn hạn chế. Để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngân hàng cần chọn lọc những doanh nghiệp có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời phải chấp nhận một phần rủi ro với doanh nghiệp.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải cho rằng, gói tín dụng ngắn hạn dưới 1 tháng là rất phù hợp, các ngân hàng có thể xem xét thiết kế các gói tín dụng cho doanh nghiệp theo ngành. Bên cạnh đó, áp dụng biện pháp đảm bảo dựa trên uy tín, tài sản hình thành từ vốn vay, sàng lọc các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm, nộp ngân sách đầy đủ để cho vay tín chấp.
Để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước đang sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN theo hướng tăng quyền chủ động cho các ngân hàng. Theo đó, việc cho vay tín chấp, thế chấp sẽ tùy thuộc vào các ngân hàng thương mại và các giám đốc chi nhánh.
Ngành ngân hàng phối hợp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền các tỉnh, thành phố để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.