Thầy gì từ sự tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng?

18/12/2019 06:16 GMT+7
Nhiều công ty tài chính cố tình “kiềm” sự tăng trưởng để sắp xếp lại hoạt động, đầu tư công nghệ để phục vụ tốt hơn cho khách hàng. Động thái này cho thấy các công ty tài chính có trách nhiệm hơn trong hoạt động cho vay – yếu tố mà thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam thiếu và yếu trong nhiều năm tăng trưởng nóng.

Phát triển tín dụng tiêu dùng đẩy lùi tín dụng đen – Không phải ngẫu nhiên "thông điệp" này được cơ quan điều hành, các chuyên gia kinh tế nhắc lại nhiều lần trong năm vừa qua. Điều này phần nào khẳng định vai trò của tín dụng tiêu dùng (TDTD) trong nền kinh tế.

Tín dụng tiêu dùng - kênh "thay thế" tín dụng đen

Nếu như giai đoạn 2013-2014 tín dụng tiêu dùng chỉ tăng khoảng 15%/năm, thì giai đoạn 2015-2017 tốc độ tăng trưởng đã lên tới 61,3%/năm, còn đến năm 2018 con số vào khoảng 29,3%. Với sự tăng trưởng này, tín dụng tiêu dùng đã thành một phần đáng kể của tổng tín dụng khi chiếm tỷ trọng khoảng 19,7%. So với GDP, quy mô của tín dụng tiêu dùng hiện nay cũng vào khoảng 25,6%.

Xét về quy mô, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng mạnh, ước tính từ mức 646.000 tỷ đồng trong năm 2016, tiến tới mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019, với mức tăng trưởng bình quân 29%/năm – theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Kinh nghiệm phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng tại nhiều quốc gia đều cho thấy, với sự hiện diện của công ty tài chính sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển tích cực và lành mạnh hơn, hướng khách hàng đến một kênh tài chính chính thống có sự quản lý của nhà nước.

 "Tại Việt Nam, nếu không có kênh vay vốn này, nhiều người trong số họ do không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng sẽ phải tìm đến kênh cho vay nặng lãi, không được pháp luật bảo hộ, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội" chuyên gia tài chính Nguyễn Thị Mùi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung thì bổ sung, "Phát triển tài chính tiêu dùng không chỉ đẩy lùi "tín dụng đen", mà còn là một con đường, một động lực, một cách thức để phát triển kinh tế - xã hội, mở ra một cơ hội nâng cao phúc lợi cho người dân".

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ tại một diễn đàn về TDTD trong năm qua, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế.

"Tín dụng tiêu dùng thúc đẩy tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thông qua tác động lên tổng cầu. Những năm gần đây, tín dụng tiêu dùng đã tăng với tốc độ cao gấp nhiều lần tốc độ tăng của cấu phần tiêu dùng cuối cùng trong GDP (năm 2018 là 29% và 7% tương ứng), điều đó cho thấy tín dụng tiêu dùng đang là công cụ quan trọng để hỗ trợ cấu phần tiêu dùng trong GDP".

Tín dụng tiêu dùng đảm bảo quá trình tái sản xuất diễn ra liên tục, tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức cho người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng dưới chuẩn vay ngân hàng, góp phần đẩy lùi "tín dụng đen"; giúp người có thu nhập thấp giải quyết các nhu cầu cuộc sống cấp bách, có điều kiện tích lũy tài sản…

Tăng cường trách nhiệm khi cho vay – chìa khóa từ công nghệ

Vai trò quan trọng, nhiều dư địa để phát triển song theo đánh giá gần đây của Fiin Group (tiền thân là Stoxplus), tốc độ tăng trưởng tài chính tiêu dùng của Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại. Số liệu thống kê của Fiin Group cho thấy, năm 2018, mức tăng trưởng của thị trường tín dụng tiêu dùng chững lại. 

Trong đó, người chơi tích cực nhất trên thị trường này là các công ty tài chính đang có dấu hiệu co hẹp thị phần. Mặc dù vẫn là người chơi lớn nhất trên thị trường tài chính tiêu dùng, nhưng thị phần cho vay của FE Credit đã giảm còn 47,3% năm 2018 so với gần 49% năm 2017. Home Credit cũng giảm từ 17,3% xuống còn 16,9%. HD Saison cũng đã trải qua sự suy giảm tăng trưởng so với những năm trước.

Thầy gì từ sự tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng? - Ảnh 2.

Sự co hẹp thị trường này không chỉ diễn ra ở các công ty tài chính tiêu dùng mà ngay cả các ngân hàng cũng tỏ ra thận trọng khi cho vay phục vụ đời sống tiêu dùng. Theo báo cáo mới nhất của NHNN, đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay phục vụ đời sống tăng 8,14%, thấp hơn so với mức tăng 8,88% của cùng kỳ năm 2018.

Theo giới phân tích, sự chững lại của thị trường cho vay tiêu dùng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ quan lẫn khách quan. Tuy nhiên, trong số những lý do tiêu cực thì cũng có nhiều công ty tài chính cố tình "kiềm" sự tăng trưởng để sắp xếp lại hoạt động, tập trung nâng cao đầu tư công nghệ, cải tiến sản phẩm để phục vụ tốt hơn cho khách hàng, đồng thời nâng cao khả năng kiểm soát rủi ro trong hoạt động cho vay.

Động thái này là một tín hiệu tích cực cho thấy các công ty tài chính đã có trách nhiệm hơn trong hoạt động cho vay – yếu tố mà thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam thiếu và yếu trong nhiều năm tăng trưởng nóng.

Đại diện một công ty tài chính cũng đã từng thừa nhận, "coi đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với khách hàng, với cộng đồng là "kim chỉ nam" để phát triển của công ty. 

Cũng theo vị lãnh đạo công ty tài chính này, "trách nhiệm" trong kinh doanh không phải công ty nào cũng làm được, do các doanh nghiệp đều phải đặt lợi nhuận lên trên hết, nhất là trong một ngành đầy cạnh tranh và rủi ro cao như tín dụng tiêu dùng.

Không hoàn toàn tán thành quan điểm này, song TS. Cấn Văn Lực thừa nhận, hiện nay các công ty tài chính đã có ý thức hơn trong việc cho vay. Một trong những chỉ tiêu đánh giá khách quan nhất chính là công khai minh bạch thông tin và đầu tư công nghệ để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng với mức chi phí thấp hơn. Những vấn đề này, theo ông Lực đang được các công ty tài chính triển khai rất quyết liệt.

"Có nhiều lợi ích khi áp dụng công nghệ có thể kể đến như quản trị rủi ro tốt hơn và tiếp cận khách hàng bất cứ ở đâu, chi phí hoạt động cho vay giảm xuống, tự động hoá tăng cường và doanh nghiệp phục vụ nhiều khách hàng hơn. 

Đồng thời khách hàng sẽ được hưởng lợi nhờ tiếp cận được các giải pháp tài chính dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn nhờ công nghệ. Vì vậy, người tiêu dùng và công chúng cũng có cái nhìn đúng đắn hơn về sản phẩm và bản chất của ngành, bức tranh ngành tài chính tiêu dùng trong tương lai sẽ khả quan hơn", ông Lực nhấn mạnh thêm.

Thầy gì từ sự tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng? - Ảnh 4.

Trên góc độ người tham gia thị trường, đại diện FE Credit từng cho biết, những tổ chức đang dẫn đầu về tín dụng tiêu dùng như FE Credit hiện nay đang tích cực đẩy mạnh công nghệ tự động hóa quy trình. Không dừng lại ở đó, FE Credit mà còn triển khai thêm các giải pháp tiện ích khác để đáp ứng nhu cầu của từng tệp khách hàng khác nhau trong tổng số khách hàng đa dạng của Công ty, nhằm tăng doanh thu.

Đến nay, công nghệ số hóa đã giúp rút ngắn toàn bộ quy trình một khoản vay FE Credit hiện nay rút xuống còn 1 ngày thay vì 4-5 ngày như trước đây. Doanh thu cho vay tiêu dùng thông qua kênh số hóa trong 5 năm qua đã tăng 28%. Đây cũng là điểm khác biệt tạo lợi thế cạnh tranh cho các công ty tài chính đối với kênh tín dụng đen.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục