Thống đốc chỉ ra 2 yếu tố quan trọng với ngân hàng: Khách hàng là ai và có khả năng trả nợ hay không?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá, thời gian qua hoạt động thanh toán đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận.
Một là, NHNN đã ban hành được khối lượng lớn văn bản để hoàn thiện công tác thể chế trong hoạt động thanh toán. Đây là hành lang pháp lý quan trọng, bởi hành lang pháp lý càng rõ thì chúng ta làm càng thông suốt. Bên cạnh đó, NHNN cũng có hành lang pháp lý để thanh toán qua ngân hàng các dịch vụ công, qua đó thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ. Ngành Ngân hàng tích cực triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực thanh toán.
Hai là, nâng cấp và phát triển hạ tầng về thanh toán. Xây dựng và vận hành thông suốt Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; Mạng lưới ATM, POS… được lắp đặt đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh trên cả nước; Mạng lưới chấp nhận thanh toán QR Code được phủ khắp hầu hết các cửa hàng tiện lợi, chuỗi phân phối bán lẻ... và đang mở rộng dần tới các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học…
Theo Thống đốc, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cũng quan tâm đầu tư, nâng cấp và phát triển hệ thống thanh toán nội bộ, đặc biệt, được kết nối thanh toán với Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cũng như kết nối với Napas để cùng nhau thúc đẩy phát triển dịch vụ thanh toán và nâng cấp tiện ích, dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp.
Ba là, phát triển nhiều dịch vụ, tiện ích cho doanh nghiệp, người dân với những con số ấn tượng, chúng ta đề ra trong Chiến lược là đến năm 2025, có 50% số lượng người trưởng thành có tài khoản nhưng tới nay, đã có 77,41% số lượng người trưởng thành có tài khoản. Thanh toán qua Internet, Mobile và phương thức QR Code tăng trưởng vượt bậc. Đây là cơ sở để chúng ta thúc đẩy hoạt động thanh toán, chuyển đổi số.
Dịch vụ thẻ ngân hàng phát triển. Đến cuối tháng 11/2023 có 145,79 triệu thẻ đang lưu hành. Thanh toán đối với dịch vụ công, cho phép khách hàng dễ dàng thực hiện thanh toán trực tuyến các khoản phí/lệ phí thủ tục hành chính, khai và nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội/bảo hiểm y tế, điện, nước…
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh kết nối, tích hợp phát triển hệ sinh thái số. Các tổ chức đã có trên 90% dịch vụ cung ứng trên kênh dịch vụ số. Riêng dịch vụ về tín dụng là vấn đề rất lớn, chúng ta đang từng bước kết nối, tiếp cận dữ liệu dân cư theo Đề án 06 để triển khai thí điểm, chấm điểm tín dụng thúc đẩy tín dụng với những khoản vay nhỏ lẻ để hạn chế tín dụng đen.
Thống đốc cho rằng, chúng ta xác thực được khách hàng đó là ai là rất quan trọng để đảm bảo không có sự giả mạo, lừa đảo nhưng khách hàng đó có khả năng trả nợ hay không cũng rất quan trọng đối với hệ thống ngân hàng cũng như các TCTD. Điều này đòi hỏi phải có sự kết nối hơn nữa, không chỉ kết nối đối với Đề án 06 mà còn phải kết nối với các hệ thống dữ liệu của các cơ quan bộ, ngành, để chúng ta có đầy đủ thông tin cơ sở, hệ sinh thái về dữ liệu thì chúng ta mới có thể đánh giá được khả năng trả nợ của khách hàng. Hiện nay, ngành Ngân hàng cũng có sự kết nối với quốc tế, mặc dù là bước đầu.
Đặc biệt, công tác an ninh, an toàn, bảo mật vô cùng quan trọng, theo Thống đốc, dịch vụ phát triển nhưng không đi đôi với an ninh, an toàn, bảo mật thì cũng sẽ không có hiệu quả mà càng làm mất niềm tin của người dùng. Càng đảm bảo an ninh, an toàn thì người dùng càng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Một trong những nguyên tắc cốt lõi, là cơ sở của thành công trong chuyển đổi số, đó là số lượng người dùng nhiều.
Công tác bảo đảm an ninh an toàn bảo mật này chúng ta cũng phải có cả các hành lang pháp lý. Các cơ quan đơn vị NHNN cũng thường xuyên hướng dẫn, thông báo, cảnh báo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và đặc biệt kết nối với Đề án 06 về cơ sở dữ liệu dân cư và kết nối với căn cước công dân gắn chíp để xác thực định danh khách hàng. Cái này giúp cho chúng ta hạn chế sự giả mạo, lừa đảo, vừa phát triển dịch vụ, vừa phòng chống tội phạm và đảm bảo an ninh, an toàn.
Thời gian qua, công tác truyền thông của ngành Ngân hàng về hoạt động thanh toán đã được đẩy mạnh và tăng cường. Thống đốc yêu cầu, bản thân các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cũng phải nhận thức được và truyền thông tích cực hơn nữa đến người dân để người dân hiểu những tiện ích và vai trò của an ninh, an toàn, bảo mật.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thống đốc yêu cầu, năm 2024, ngành Ngân hàng phải đặt trọng tâm trong công tác thanh toán, đó là đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng. Coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo của NHNN cũng như các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
"Niềm tin vào hệ thống ngân hàng rất quan trọng", do vậy, Thống đốc yêu cầu, các đơn vị thuộc NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo động lực cho phát triển không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số nhưng vẫn phải đảm bảo vừa phát triển, hành lanh pháp lý đủ để đảm bảo kiểm soát rủi ro cho hoạt động này; tiếp tục nghiên cứu, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt của Thủ tướng Chính phủ.
Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Công an để đẩy nhanh triển khai Đề án 06 và Kế hoạch 01; Tăng cường giám sát hệ thống thanh toán, phân tích dữ liệu để cảnh báo, chấn chỉnh. Giám sát ở đây không chỉ giám sát về số liệu thanh toán mà còn giám sát cả về quy trình nội bộ. Các đơn vị phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát…; tăng cường khai thác các nguồn dữ liệu thông tin để phát hiện, cảnh báo; Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; quan tâm và tạo điều kiện cho công tác đào tạo cán bộ học tập, khảo sát, chuyên gia giới thiệu... về lĩnh vực thanh toán.
Vấn đề cuối cùng nhưng cũng vô cùng quan trọng, đó là đảo bảo quyền lợi của người dùng, phòng ngừa gian lận, giả mạo, Thống đốc bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ Công an đối với vấn đề này.