Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Phải chấm dứt tình trạng cơ quan công quyền hù doạ doanh nghiệp"
Cũng giống như hai lần đối thoại trước, Hội nghị năm nay kéo dài đến đầu giờ chiều. Dù đã muộn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn dành khoảng 40 phút cuối giờ chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết trước cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng cam kết mạnh mẽ Chính phủ sẽ kiến tạo hơn nữa, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh, vươn tầm quốc tế.
Chấm dứt tình trạng hù họa doanh nghiệp
Hoan nghênh những ý kiến trái chiều, phản biện được nêu ra, trong phần kết luận Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì phối hợp các bộ ngành liên quan có nghị quyết về phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ hơn về số lượng và quy mô, làm tiền đề cho địa phương và cấp ngành thúc đẩy doanh nghiệp.
"Tôi nhận được nhiều tin nhắn nói cấp chuyên viên nhũng nhiễu lắm, chậm trễ lắm, cứ đá qua đá lại hoài. Các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải kiểm soát việc này. Phải chấm dứt tình trạng cơ quan công quyền hù dọa doanh nghiệp và loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà làm mất thời gian và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu việc giải quyết khó khăn của doanh nghiệp phải nằm trong đầu, sổ tay hành động của chính quyền, tránh bệnh thờ ơ trong phát triển doanh nghiệp.
Các bộ, ngành địa phương cần xây dựng chương trình hành động, thực hiện cam kết cho giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Kế hoạch và đầu tư làm đầu mối triển khai, trong đó tập trung vào hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tìm kiếm thị trường, xây dựng trung tâm triển lãm, thúc đẩy phát triển sản phẩm.
"Sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn ra đời tại Việt Nam"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã lắng nghe hết tất cả ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp. Ông đánh giá hội nghị rất sôi nổi, thẳng thắn, nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp phát triển doanh nghiệp. Với những ý kiến trái chiều, Chính phủ rất hoan nghênh.
Ông nhắc lại Chính phủ đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp, đã có nhiều đổi mới, cải cách nhằm phát triển doanh nghiệp Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận những thành tích đáng mừng có đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, giúp đất nước rút ngắn khoảng cách phát triển trên thế giới. Điển hình như kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã cao hơn các nước châu Phi cộng lại. Dự kiến năm 2019 sẽ đạt khoảng 517 tỷ USD. Điện lưới đã đến được 99,8% số xã trên cả nước.
Thủ tướng cho rằng khi doanh nghiệp phát triển được thì người dân mới có thu nhập mua hàng hóa, tiêu dùng. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, hiện tại con số này là khoảng 800.000. Chính phủ không chỉ quan tâm đến số lượng, còn cả chất lượng.
Tại Việt Nam, hiện trung bình cứ 120 người dân mới có một doanh nghiệp. Con số này ở các nước ASEAN là 90 người dân. Còn ở các nước phát triển là 10 người dân có một doanh nghiệp. Thủ tướng cho rằng dư địa tăng trưởng và phát triển doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn.
Với cộng đồng hiện tại, Việt Nam đã có 7 doanh nghiệp nằm trong top 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn chưa có doanh nghiệp nào vào top 500 lớn nhất thế giới.
"Chính phủ tạo mọi điều kiện cho phát triển doanh nghiệp. Tôi tin rằng sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn sẽ được ra đời tại Việt Nam", ông nói.
"Doanh nghiệp cũng cần chống tham nhũng"
Cuối bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra 5 yêu cầu với cộng đồng doanh nghiệp và 5 cam kết của Chính phủ.
Về các cam kết, thứ nhất, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp cần phải đoàn kết lại, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau. Cần khuyến khích sự chủ động trên thương trường để cùng nhau vươn ra biển lớn.
Thứ hai, cần chủ động đổi mới chính mình, tái cấu trúc và cải thiện liên tục, luôn nghĩ đến chìa khóa công nghệ khi gặp bài toán sản xuất.
Thứ ba, ông yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp, nộp thuế, thực hiện quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường, giữ gìn thương hiệu và uy tín quốc gia. Doanh nghiệp cần nói không với gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đóng góp vào sự phát triển đất nước.
"Doanh nghiệp cũng cần chống tham những, nhất là không được đưa hối lộ", ông nói.
Thứ tư, Thủ tướng mời cộng đồng doanh nghiệp tham gia xây dựng ý kiến, hiến kế cho Chính phủ trong việc hoàn thiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Thứ năm, từ những kết quả, Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp dám đặt tham vọng lớn hơn, đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước.
Về các cam kết của Chính phủ, Thủ tướng cũng nhấn mạnh 5 ý.
Thứ nhất, Chính phủ cam kết tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phải giữ tốc độ phát triển trong nhiều năm tới.
Thứ hai, Chính phủ sẽ cải cách tích cực, rà soát, tạo quyền lợi cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Chính phủ sẽ không được làm thay, tạo sự ỷ lại cho doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba, Chính phủ cam kết bảo vệ quyền tài sản chính đáng của người dân và doanh nghiệp; kiểm soát và tránh lạm dụng quyền lực ảnh hưởng đến tài sản của người dân và doanh nghiệp.
Thứ tư, Chính phủ ý thức rằng để một doanh nghiệp, thương hiệu lớn của Việt Nam biến mất là thất bại của không chỉ doanh nghiệp mà còn là cả Chính phủ, chính quyền địa phương trong tiến trình cạnh tranh, hội nhập toàn cầu.
"Doanh nghiệp lớn, có tên tuổi, làm ăn làm ăn lành mạnh, đúng đắn, thì chúng ta phải lắng nghe, bảo vệ thương hiệu bền vững, phát triển", ông nói.
Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh một cộng doanh nghiệp lớn mạnh, vươn ta toàn cầu, đội ngũ doanh nhân có khát vọng, yêu nước là niềm tự hào tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển, độc lập, tự cường, thịnh vượng.