Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng, Quảng Nam ổn định thị trường bất động sản
Trước phản ánh của báo chí về tình trạng thị trường bất động sản tại một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam có dấu hiệu "sốt giá", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng cùng UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính có biện pháp để ổn định thị trường đất đai, ổn định tâm lý của người dân, tránh nguy cơ "vỡ trận" như báo chí khuyến nghị.
Trước đó, theo phản ánh của báo chí, gần đây thị trường bất động sản tại Đà Nẵng bỗng dưng "nóng" lên một cách bất thường. Từ các quán vỉa hè cho đến trên các trang mạng xã hội…rộ lên việc chào mời, rao bán với nhiều hình thức mời chào, kêu gọi đầu tư.
Theo các "cò" đất tại Đà Nẵng, giá đất tại nhiều dự án trước đây chỉ dao động 1,3 đến 1,5 tỷ đồng/lô nhưng sau Tết đã được đẩy thêm khoảng 2 tỷ đồng/lô.
Đơn cử như giá đất tại một dự án trên đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đất ở khu A với diện tích 125 m2 có giá dao động từ 28 - 30 triệu đồng/m2, tùy theo vị trí. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, giá giao dịch thực tế ngoài thị trường còn cao hơn. Giá đất khu A đã lên đến 3,8 - 3,9 tỷ đồng/lô. Các lô biệt thự 187 m đường 7,5 m có giá trên 5 tỷ đồng.
Theo các "cò" đất cho biết, trước đây chỉ dao động 1,3 đến 1,5 tỷ đồng/lô nhưng sau Tết giá đất tại đây được đẩy lên khoảng 2 tỷ đồng/lô.
Nguyên nhân được các "cò" đất đưa ra cho việc tăng giá này là do khu vực này có những dự án trọng điểm đang khởi động như: Cảng Liên Chiểu sắp xây dựng; Khu Công nghệ thông tin sắp khánh thành; Khu Công nghệ cao đang được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm…
Trước thực tế đó, mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã có báo cáo về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.
Địa phương này cho biết, vấn đề đặt cọc trong mua bán bất động sản, trên địa bàn hiện có rất nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản tiến hành rao bán bất động sản khi chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định pháp luật.
Qua kiểm tra, đa số các chủ đầu tư chưa ký kết hợp đồng mua bán bất động sản (có sẵn hoặc hình thành trong tương lai) mà thực hiện việc ký hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ với khách hàng với đầy đủ các nội dung như một hợp đồng mua bán bất động sản (như đặc điểm bất động sản, tiến độ nộp tiền, …), sau đó khách hàng này tiến hành "chuyển cọc" qua nhiều khách hàng thứ cấp để "hưởng chênh lệch".
Đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, gây thất thu thuế của nhà nước, mà còn phát sinh nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên việc kiểm tra, xử lý hết sức khó khăn do hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ chỉ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định pháp luật về dân sự. Do hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể, UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị Ban chỉ đạo trình Chính phủ có ý kiến chỉ đạo vấn đề này.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, giá đất cũng tăng đột biến. Tại trung tâm thành phố Tam Kỳ và các huyện, thị xã giá đất được đẩy lên cao, khiến giao dịch đất sôi động. Thậm chí có xã, 80% đất trồng cây lâu năm đã được người dân bán.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 06 yêu cầu UBND, các huyện, thị xã, thành phố tạm dừng mọi hoạt động tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các địa phương vùng Đông Quảng Nam.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng vừa giao cho cơ quan thanh tra tỉnh thanh tra toàn diện các dự án của Công ty Bách Đạt An tại khu vực Nam Đà Nẵng ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam). Các dự án này là điểm "nóng" về tranh chấp quyền lợi liên quan đến đất đại tại 3 dự án do Bách Đạt An làm chủ đầu tư, Công ty Hoàng Nhất Nam (đơn vị phân phối) và hàng ngàn người dân đã đặt cọc tiên mua đất. Nhiều lần, người dân đã kéo vây trụ sở 2 công ty, vùng dự án để đòi sổ đỏ nhưng sự việc vẫn chưa có hồi kết.