Thương mại Trung Quốc hai tháng đầu năm thâm hụt 7 tỷ USD vì dịch virus corona
Một báo cáo mới đây do Tổng Cục Hải Quan Trung Quốc công bố cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu giảm 17,2% trong hai tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay trước đó, trong tháng 12/2019, khi dịch virus corona chưa bùng phát, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng 7,9%.
Kim ngạch nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm cũng giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh từ mức tăng 16,5% hồi tháng 12/2019.
Con số này có nghĩa là thương mại hai tháng đầu năm 2020 của Trung Quốc thâm hụt 7,09 tỷ USD, so với mức thặng dư 41,45 tỷ USD đạt được trong cùng kỳ 2019. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là khởi đầu tồi tệ cho nền kinh tế Trung Quốc trong năm kinh tế 2020, một năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng khép lại những mục tiêu tăng trưởng thập kỷ 2010-2020 mà chính phủ nước này đề ra. Đây cũng là quý đầu tiên kể từ năm 1976 đến nay, kinh tế Trung Quốc có nguy cơ giảm tốc mạnh như vậy.
Một cuộc thăm dò do Bloomberg thực hiện trước đó dự đoán kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm của Trung Quốc sẽ giảm 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nhập khẩu giảm 16,6%. Tổng cộng, kim ngạch thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ đạt 591,99 tỷ USD trong hai tháng, tức giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù chứng kiến mức giảm mạnh mẽ như vậy, con số này vẫn chưa bằng thời kỳ 2008-2009, khi Trung Quốc nói riêng và kinh tế thế giới nói chung phải vật lộn để thoát khỏi những nguy cơ từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, nó đã phần nào đưa ra những dấu hiệu đầu tiên về tổn thất của nền kinh tế Trung Quốc sau nhiều tuần “tê liệt” và trì trệ vì sự bùng phát của dịch virus corona.
Trước đó, Cục Thống kê Quốc gia NBS đã công bố chỉ số quản lý thu mua PMI lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tháng 1 giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 35,7, phản ánh sự co lại của ngành sản xuất. Trong khi PMI phi sản xuất (phản ánh sức mạnh trong lĩnh vực dịch vụ và xây dựng) cũng giảm xuống mức đáy 29,6, tức giảm mạnh so với mức mở rộng 54,1 đạt được trước đó.
Chỉ số Caixin/Markit PMIs khảo sát các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cho thấy mức thấp kỷ lục trong cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
“Sự suy giảm kim ngạch thương mại chủ yếu là do tác động của sự bùng phát dịch virus corona và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài” - trích báo cáo của Tổng cục Hải quan.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang vật lộn để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh dù họ đã được chính quyền cấp phép mở cửa trở lại từ lâu. Tính đến 3/3, theo tờ South China Morning Post, chỉ có khoảng 45% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc mở cửa trở lại do tình trạng thiếu hụt lao động và chuỗi cung ứng gián đoạn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đóng góp 60% trong tổng GDP quốc gia và tạo ra 80% việc làm trong nền kinh tế.
Các nhà máy cũng chưa thể phục hồi năng lực sản xuất khi nhà cung cấp của họ chưa trở lại làm việc hoặc chưa thể vận chuyển đủ nguồn cung linh kiện, nguyên vật liệu cần thiết cho chu trình sản xuất.
Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics ước tính rằng dịch virus corona có thể khiến lao động Trung Quốc thiệt hại tới 800 tỷ NDT (khoảng 115 tỷ USD) tiền lương do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài và các hoạt động cách ly kiểm dịch buộc họ không thể trở lại nhà máy. Sự giảm sút trong thu nhập của người dân chắc chắn sẽ làm giảm chi tiêu tiêu dùng - một bộ phận quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP Trung Quốc.
Công ty bảo hiểm Euler Hermes ước tính rằng Trung Quốc sẽ thiệt hại 108 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, 72 tỷ USD trong hoạt động du lịch và 10 tỷ USD trong dịch vụ vận tải, qua đó đưa tổng thiệt hại trong lĩnh vực xuất khẩu lên tới 190 tỷ USD.
Cảng Los Angeles - cửa ngõ chính của thương mại Mỹ-Trung - đã dự báo mức giảm 25% về khối lượng container trong tháng 3. Trong khi đó, lưu lượng container đến từ Trung Quốc tại các cảng Mỹ đã giảm từ 32.550 chiếc vào ngày 4/2 xuống chỉ còn 2.784 vào ngày 26/2, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thương mại Ocean Audit.