Tiền Libra của Facebook liên tiếp bị "dội nước lạnh": Vì đâu nên nỗi?
Chủ tịch FED yêu cầu Facebook tạm đình chỉ ra mắt đồng Libra
Chủ tịch Hội đồng thống đốc FED Jerome Powell mới đây phát biểu trước Hạ viện Mỹ rằng đề xuất của Facebook về việc ra mắt tiền điện tử Libra cần phải tạm đình chỉ trong khi FED cân nhắc các rủi ro liên quan đến thị trường tài chính toàn cầu.
“Sự xuất hiện của đồng Libra sẽ làm xuất hiện những quan ngại nghiêm trọng về quyền bảo mật, các kẽ hở tài chính để rửa tiền cũng như sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu” - ông Jerome Powell cho biết trong một phát biểu trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ hôm 10.7. Những mối quan ngại này cần được giải quyết một cách triệt để và minh bạch trước khi dự án được tiến hành.
Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, bà Maxine Waters đã bày tỏ sự quan tâm đến ví điện tử Calibra khổng lồ mà Facebook định lập ra để quản lý đồng Libra cũng như cơ chế mã token nhiều khả năng sẽ xuất hiện lỗ hổng bảo mật. Bà chỉ trích rằng Facebook đang cố gắng cạnh tranh với hệ thống tiền tệ đồng Dollar và các ngân hàng thông qua phát hành tiền điện tử.
Chủ tịch Hội đồng thống đốc FED Jerome Powell yêu cầu Facebook tạm đình chỉ ra mắt đồng Libra
Chủ tịch FED cho hay các quan chức Cục Dự trữ Liên Bang đã có cuộc trao đổi với Facebook trước khi cơ quan này công bố kế hoạch ra mắt tiền điện tử Libra, và FED hiện vẫn đang xem xét vấn đề này. Các chuyên viên tài chính của FED sẽ cùng với một số cơ quan khác thành lập Hội đồng giám sát để đánh giá xem liệu việc ra mắt đồng Libra tác động ra sao đến thị trường tài chính.
Ông Jerome Powell cũng thẳng thắn thừa nhận rằng việc sử dụng rộng rãi tiền Libra có thể làm tăng mối đe dọa cho hệ thống tài chính toàn cầu trên nhiều lĩnh vực, từ các vấn đề rửa tiền đến nguy cơ tài trợ khủng bố...do quy mô người dùng quá khổng lồ của mạng xã hội Facebook.
Ông Powell khẳng định FED không ngăn cản sự đổi mới trên thị trường tài chính, FED chỉ đảm bảo sự đổi mới đó diễn ra một cách an toàn và hợp lý. Ông cũng đồng thời lưu ý rằng quy trình đánh giá nên diễn ra thận trọng và kiên nhẫn, bởi các quy chuẩn pháp lý hiện tại không phù hợp với tiền điện tử.
Những bình luận của ông Powell về tiền điện tử Libra đã đánh tụt giá bitcoin 7% trong 3 giờ diễn ra phiên điều trần hôm 10.7. Kể từ hôm 18.6, khi Facebook úp mở kế hoạch ra mắt đồng Libra, bitcoin đã chứng kiến mức tăng gần 30%, lên mức gần 14.000 USD.
Dự án tiền Libra liên tiếp bị "dội nước lạnh"
Không phải chỉ riêng FED hay Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ Viện, ngay từ khi tuyên bố ý tưởng, đồng tiền điện tử của Facebook đã vấp phải hàng loạt sự hoài nghi và thận trọng từ các tổ chức tài chính, chính phủ trên thế giới. Rõ ràng, những bê bối của Facebook trong quá khứ, nhất là về bảo mật dữ liệu đã khiến Hạ viện Mỹ dè chừng, khi mà việc ra mắt đồng Libra có khả năng tác động cực lớn đến hệ thống tài chính toàn cầu.
Hồi đầu tuần, ban lãnh đạo ngân hàng Châu Âu ECB tuyên bố việc phát hành Libra nói riêng và các đồng tiền kỹ thuật số nói chung là quá mạo hiểm khi chưa có một cơ chế pháp lý chặt chẽ và minh bạch để quản lý nó. ECB còn viện dẫn những lý do chính sách tiền tệ để chứng minh các nhà lập pháp thế giới cần thận trọng trước hiện tượng đồng Libra.
Thống đốc Ngân hàng Anh Quốc BoE Mark Carney cũng đồng quan điểm về việc đồng Libra sẽ phải chịu sự giám sát và quản lý chặt chẽ nhất một khi được ra mắt.
Ngân hàng quốc gia tại Úc và Nhật Bản thì đưa ra nhiều quan điểm về rủi ro lớn mà Libra có thể gây ra với hệ thống tài chính toàn cầu, dựa trên mạng lưới người dùng 2 tỷ dân của nó hiện nay.
Hồi đầu tuần này, Facebook thậm chí đã quyết định sẽ không ra mắt tiền Libra và ví Calibra tại Ấn Độ vì phản ứng không mấy chào đón của chính phủ nước này với tiền điện tử Libra nói riêng và các loại tiền kỹ thuật số nói chung.
Với những phản ứng thận trọng từ Chính phủ các nước, liệu các thành viên trong hiệp hội Libra với hàng loạt tên tuổi lớn như Mastercard, Ebay, PayPal, Visa, Spotify, Uber...còn sẵn sàng "chơi" với Facebook?
Vì sao thế giới thận trọng với tiền điện tử Libra?
Có rất nhiều lý do khiến các nhà lập pháp cũng như các tổ chức tài chính thận trọng với đồng Libra của Facebook.
Libra vượt xa định nghĩa tiền điện tử
Facebook có thể giới thiệu Libra là tiền điện tử nhưng về bản chất và xu hướng được các chuyên gia dự đoán, Libra vượt xa những gì được coi là một loại tiền điện tử. Điểm tương đồng duy nhất giữa Libra và tiền điện tử là cùng hoạt động trên nền tảng blockchain. Thực chất, Libra là một loại stablecoin mang đầy đủ đặc điểm của một loại tiền pháp định, là phiên bản kỹ thuật số của đồng USD, JPY hay EUR, được phát hành dựa trên một lượng tài sản đảm bảo thực tế của người sở hữu.
Điều này nghĩa là để có được 1 USD Libra, bạn phải bỏ ra một tài sản trị giá 1 USD trong thế giới thực mà token có thể trao đổi được dựa trên những chính sách, nền tảng giao dịch mà ví điện tử Calibra xây dựng. Điều này không chỉ đặt ra những câu hỏi về rủi ro bảo mật của Facebook mà còn khiến các nhà lập pháp quan ngại về việc Libra có khả năng trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu, cạnh tranh trực tiếp và làm suy yếu các đồng tiền mạnh như USD hay GBP, EUR...
Rủi ro tài chính siêu quốc gia
Libra một khi ra mắt sẽ trở thành loại tiền điện tử siêu quốc gia, với khả năng thanh toán và được chấp nhận gần như trên khắp hành tinh. Ví dụ, người dùng ở Mỹ có thể mua hàng hóa từ Đông Nam Á bằng Libra một cách đơn giản như bất kỳ giao dịch đồng USD nào trong phạm vi thị trường Mỹ vậy. Đó là một giấc mơ tốt đẹp, nhưng cũng rủi ro không kém.
Chính phủ các quốc gia lâu nay đã duy trì sự độc quyền mạnh mẽ trong hoạt động phát hành và quản lý và dự trữ tiền tệ, và Libra nhiều khả năng sẽ phá vỡ sự độc quyền đó, mang đến rủi ro lớn cho tiền fiat thông thường.
Cùng với đó là hàng loạt rủi ro liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố, bảo mật thông tin người dùng...mà Chính phủ các quốc gia cần tính đến nếu đưa Libra vào hoạt động. Những lỗ hổng từ mạng lưới tiền điện tử lớn nhất toàn cầu sẽ là mối quan ngại cho hệ thống tài chính thế giới.
Rủi ro từ quy mô khổng lồ
Rõ ràng, cộng đồng 2 tỷ người dùng trải khắp toàn cầu chiếm gần 1/4 quy mô dân số thế giới của Facebook là điều khiến các Chính phủ phải suy nghĩ trước khi cho phép đồng Libra hoạt động. Với hàng loạt ứng dụng như Facebook, WhatsApp, Instagram..., Facebook hiện là một trong những tập đoàn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất thế giới, là kẻ thống trị lĩnh vực truyền thông mạng xã hội. Điều đó lý giải vì sao gã khổng lồ công nghệ nôn nóng đặt chân đến lĩnh vực tiền điện tử, mảng sẽ giúp Facebook tiếp tục khẳng định vị thế thống trị với "cộng đồng khổng lồ" của nó.
Ngay cả khi chỉ có 50% người dùng các ứng dụng của Facebook sử dụng loại tiền điện tử Libra, nó vẫn dễ dàng trở thành tổ chức tài chính lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất thế giới. Thậm chí, ví điện tử Calibra sẽ vượt mặt các ngân hàng, trở thành nhà băng lớn nhất toàn cầu trong một tương lai gần. Khi đó, Facebook sẽ thay thế các ngân hàng Trung Ương trở thành kẻ kiểm soát chính sách tiền tệ thế giới. Và bất kỳ biến động nào của Libra sẽ gây ra những rủi ro mang tính toàn cầu, tồi tệ y hệt như khủng hoảng tài chính.