Tiếp tục không chia cổ tứcTechcombank dự trình kế hoạch lãi 27.000 tỷ, một thành viên HĐQT từ nhiệm
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.
Dự kiến 27.000 tỷ lợi nhuận trước thuế, Techcombank lặp lại điệp khúc "không cổ tức"
Theo đó, nhà băng này dự kiến trình cổ đông thông qua một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 bao gồm: Dư nợ tín dụng 446.554 tỷ đồng (tăng trưởng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép); Huy động vốn được quản lý phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối đa hóa nguồn huy động; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng 16,2% lên 27.000 tỷ đồng; Tỷ lên nợ xấu thấp hơn 1,5%.
Trong năm 2021, Techcombank trở thành ngân hàng lợi nhuận tỷ USD thứ 2 sau Vietcombank khi báo lãi trước thuế 23.238 tỷ đồng, tăng 47,1% so với năm liền trước. Tỷ lệ nợ xấu đạt 0,7%.
Về kế hoạch tăng vốn năm 2022, tài liệu cho thấy Techcombank chỉ có kế hoạch tăng vốn thêm hơn 63 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp cho người lao động. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên trên 35.172 tỷ đồng.
Cổ phiếu phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022 sau khi được NHNN, Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành dự kiến sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng.
HĐQT Techcombank cho biết đối tượng tham gia chương trình trên sẽ bao gồm lao động nước ngoài nên sẽ có sự thay đối về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại của ngân hàng.
Do đó, ban lãnh đạo đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4724% thành 22,4595%. Hiệu lực thay đổi vào ngày kết thúc đợt phát hành ESOP năm 2022.
Trước đó, Techcombank đã phát hành hơn 6 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên trong tháng 9/2021 với giá 10.000 đồng.
Năm 2020, 2019 và 2018, ngân hàng đã phát hành lần lượt 4,76 triệu cp, 3,5 triệu cp và 17 triệu cp cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cp theo chương trình ESOP.
Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ lần này, ngân hàng tiếp tục đề xuất với cổ đông không chia lợi nhuận năm 2021 để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận của các cổ đông thiểu số, lợi nhuận năn 2021 còn lại hơn 13.394 tỷ đồng. Cộng với khoản lợi nhuận chưa chia của các năm trước, lợi nhuận còn lại có thể phân phối của Techcombank đạt gần 40.137 tỷ đồng.
Thành viên HĐQT từ nhiệm
Cũng tại tài liệu họp, ngân hàng cho biết sẽ trình cổ đông thông qua đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 của ông Đỗ Tuấn Anh vì công việc cá nhân và tránh các xung đột lợi ích không cần thiết đối với ngân hàng.
Trước đó, ông Đỗ Tuấn Anh cũng có đơn từ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Hội đồng quản trị Techcombank hiện có tổng cộng 9 thành viên với ông Hồ Hùng Anh giữ cương vị Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch và 3 thành viên HĐQT.
Về thù lao vào chi phí công vụ của Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát, lãnh đạo Techcombank dự kiến trình cổ đông thông qua mức thù lao cố định 38,9 tỷ đồng, tăng 3,9 tỷ so với năm 2021. Các chi phí khác cũng tăng từ 7,9 tỷ lên 9,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐQT và Ban kiểm soát sẽ không nhận thù lao thành tích.
Ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc chuyển trụ sở chính về số 6 phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.