Tiêu hủy gần 30.000 gia cầm nhiễm cúm A/H5N6
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho hay, dịch cúm gia cầm A/H5N6 bắt đầu xảy ra từ ngày 3/2, tại hộ chăn nuôi ông Nguyễn Văn Ngọ, thôn Lai Thịnh, xã Tân Khang (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa). Cơ quan chức năng buộc phải tiêu hủy gần 900 con gia cầm.
Cũng theo ông Hiệp, đến ngày 10/2 dịch đã lây lan sang 8 hộ chăn nuôi khác tại thôn 2 xã Tân Khang và 1 thôn của xã Tân Thọ, buộc cơ quan chức năng phải tiêu hủy trên 19.800 con gia cầm.
Còn tại huyện Quảng Xương, Cúm gia cầm A/H5N6 xuất hiện từ ngày 4/2, tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương làm 800 con vịt mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy gần 3.300 con gia cầm.
Như vậy, từ ngày 3/2/2020 tại Thanh Hóa dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại 10 hộ chăn nuôi, 4 thôn, 3 xã, 2 huyện Nông Cống, Quảng Xương, buộc phải tiêu hủy 23.083 con gia cầm.
Nhà chức trách đã phun thuốc khử trùng bao vây ổ dịch, yêu cầu các hộ chưa được tái đàn trong thời gian tới. Ngành thú y khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên tiêm phòng đàn gia cầm theo định kỳ, thực hiện tốt việc tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Trong khi đó, tại Hà Nội, Chi cục Thú y địa phương này đã phải tiêu hủy gần 7.000 con vịt vì dịch cúm. Cụ thể, ổ dịch được phát hiện cách đây một tuần tại đàn vịt thương phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Sơn (xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ). Sau đó, dịch lan sang đàn vịt của ba hộ khác trong xã.
Thú y huyện Chương Mỹ đã tiêu hủy toàn bộ số vịt bị bệnh, lập chốt kiểm dịch, ngăn vận chuyển gia cầm ra khỏi khu vực, phun khử khuẩn và tiêm vaccine phòng bệnh cho toàn bộ gia cầm trong huyện.
Ông Sơn khuyến cáo cúm A/H5N6 có khả năng lây lan, gây bệnh cho người. Hộ chăn nuôi có gia cầm mắc cúm bị tiêu hủy đều được hỗ trợ theo đơn giá thị trường, vì thế khi thấy đàn có triệu chứng ốm, bỏ ăn cần báo ngay cho thú y xã.
Hà Nội có tổng đàn gia cầm lớn nhất cả nước với 34 triệu con. Cơ quan thú y thành phố dự kiến tổ chức tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm vào tuần tới.
Trước đó, hai ổ dịch cúm A/H5N6 được phát hiện tại Quảng Ninh, Nghệ An. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện gửi các địa phương về việc tập trung phòng chống dịch. Bộ nêu rõ năm 2019, bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 133.000 con.
Cúm A/H5N6 là chủng virus có độc lực cao, đã ghi nhận người mắc và tử vong ở Trung Quốc. Bộ Y tế khuyến cáo các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng mà người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh chết trong vùng dịch cúm A/H5N6 thì cơ sở y tế phải lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.