Tiêu thụ thủy sản của Mỹ dự báo tiếp tục tăng, cơ hội lớn cho Việt Nam

12/11/2020 11:19 GMT+7
Mỹ đã nhập khẩu hơn 22 tỷ USD thủy sản trong 12 tháng qua, chiếm khoảng 1/8 tiêu thụ thủy sản toàn cầu. Con số này đã tăng gấp 3 lần trong 25 năm qua và tiếp tục tăng bất chấp dịch COVID-19.

Giá trị thủy sản giao dịch trên toàn cầu và giá trị nhập khẩu thủy sản của Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh qua từng năm khi người tiêu dùng có xu hướng ít tiêu thụ thịt hơn, Arlin Wasserman, Giám đốc điều hành đồng thời là người sáng lập của Change Tastes, một công ty tư vấn thực phẩm cho biết trong một hội thảo trực tuyến gần đây.

Phát biểu trong Hội nghị trực tuyến về Khai thác và Nuôi trồng thủy sản bền vững ở Mỹ Latinh vào ngày 29/10/2020, Waserman cho biết, Mỹ đã nhập khẩu hơn 22 tỷ USD thủy sản trong 12 tháng qua, chiếm khoảng 1/8 tiêu thụ thủy sản toàn cầu. Con số này đã tăng gấp 3 lần trong 25 năm qua và tiếp tục tăng bất chấp dịch COVID-19. Dự báo mức nhập khẩu này sẽ tiếp tục ổn định trong nhiều năm tới.

Lần đầu tiên, thủy sản trở thành lựa chọn phổ biến nhất của người tiêu dùng Mỹ để thay thế thịt. Theo các cuộc khảo sát, trong hơn 2 năm người tiêu dùng Mỹ hạn chế lượng thịt tiêu thụ thịt bò. Ngoài ra, 1/5 người tiêu dùng giảm tiêu thụ thịt và muốn chuyển sang tiêu thụ thủy sản để thay thế. Việc này sẽ tăng đáng kể mức tiêu thụ thủy sản và các sản phẩm thủy sản ở Mỹ.

Hướng tới đa dạng hóa sản phẩm

Theo Wasserman, những người tiêu dùng muốn tiêu thụ thủy sản nhiều hơn và muốn mua các sản phẩm thủy sản khác đa dạng hơn hiện tại. Vì vậy, việc cần làm là tăng danh mục sản phẩm với nhiều chủng loại và hương vị mới.  

Tôm là loài được ưa chuộng nhất ở Mỹ kể từ hơn một thập kỷ trước, tiếp theo là cá hồi được ưa chuộng hơn cả cá ngừ và cua. Cá hồi cũng là sản phẩm duy nhất trong 5 loài được tiêu thụ nhiều nhất ở Mỹ hiện đang ngày càng được ưa chuộng.

Bạch tuộc và cá ngừ đều được ưa chuộng nhiều hơn so với bất kỳ loài nào khác. Wasserman chỉ ra: “Lần lượt xếp thứ 20 và 21 vào năm 2009, mức độ được ưa chuộng của hai loài này đã tăng lên thứ 14 và 13, trong số 25 loài được tiêu thụ nhiều nhất ở Mỹ trong năm 2020.” Điều này có nghĩa là nhiều loài khác hiện đang được ưa chuộng ở Mỹ. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu các loài mới trên thị trường.

Wasserman cũng chỉ ra rằng, so với vài năm trước đây, một số sản phẩm giá trị gia tăng hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng ở Mỹ vì dịch COVID-19 đã thay đổi cách người tiêu dùng tiêu thụ thủy sản. “Chúng tôi thấy rằng các sản phẩm hun khói, sấy và ướp lạnh và các sản phẩm sơ chế cũng mang lại những hương vị mới cho người tiêu dùng và các sản phẩm này phù hợp với cách người tiêu dùng tiêu thụ thủy sản hiện nay”.

Do đó, việc tiếp thị những sản phẩm này là cách tốt nhất để thoát ra khỏi “quy luật hàng hóa phổ biến” và vượt qua những thách thức do dịch COVID-19.

Cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng....

Theo số liệu Hải Quan Việt Nam, năm 2019, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 1,5 tỷ USD, tương đương Việt Nam đang chiếm thị phần gần 7% tại thị trường này. Điều này đồng nghĩa, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để tăng xuất khẩu thuỷ sản vào Mỹ.

Tuy nhiên, đối với ngành chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam hiện đang gặp khá nhiều thách thức. Bởi sự xuất hiện của ngành tôm Ấn Độ, Ecuador, Banlades, Indonesia… đã đánh bật ngành tôm của các nước, trong đó có ngành tôm của Việt Nam ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc…

Thị phần thị trường tôm ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, có sự góp mặt của trên 40% thị phần thị trường tôm của Ấn Độ, trên 10% của Indonesia và trên 10% của Banglades và trên 15% của Ecuador, còn lại 15% cho quốc gia khác; riêng Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng trên 8% và còn xu hướng giảm từ nay cho đến 2030 do sản phẩm tôm của Việt Nam hiện còn có giá khá cao so với tôm của các nước.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương nghiên cứu, đánh giá có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành chế biến thuỷ sản, nhất là xuất khẩu tôm.

Đối với cá tra, nếu như năm 2010 cá tra của Việt Nam chiếm trên 95% thị phần thị trường sản xuất nguyên liệu và thị trường xuất khẩu cá tra toàn cầu, thì đến nay, cá tra Việt Nam chỉ còn chiếm 53% sản lượng nguyên liệu cá tra toàn cầu và trên 70% thị phần thị trường cá tra toàn cầu.

Dự báo đến năm 2030, cá tra của Việt Nam chỉ còn chiếm trên 50% thị phần nguyên liệu và thị trường cá tra xuất khẩu toàn cầu do có sự xuất hiện mới các đối thủ cạnh tranh tiềm năng như Ấn Độ, Banglades, Indonesia, hiện nay 3 quốc gia này lần lượt chiếm 27,2%, 18,1%, 3,1% tổng sản lượng nguyên liệu cá tra toàn cầu đến năm 2019.

Dù vậy, tại thị trường Mỹ, chiến lược cạnh tranh xuất khẩu cá tra của Ấn Độ, Banglades, Indonesia… sẽ không cạnh tranh trực tiếp với cá tra của Việt Nam, do cá tra Việt Nam đang chiếm vị thế độc tôn nhờ giá thành xuất khẩu.



Thanh Giang
Cùng chuyên mục