Tiêu trượt dài trong mất giá, thiếu hướng phát triển bền vững

16/12/2019 07:55 GMT+7
Việt Nam là quốc gia sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới, chiếm hơn 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu thế giới. Tuy nhiên, việc hồ tiêu Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô và thiếu cơ cấu trong sản xuất khiến ngành càng lâm vào khủng hoảng giá trị.

Giá liên tục "tụt dốc không phanh"

Cụ thể, theo số liệu dẫn chứng từ Bộ NN&PTNT, năm 2016, sản lượng hồ tiêu đạt 176,6 nghìn tấn và kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hồ tiêu đạt kỷ lục hơn 1,42 tỷ USD, tăng 12,9% về giá trị so với năm 2015.

Những năm sau đó, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục tăng nhưng giá trị xuất khẩu đều theo chiều đi xuống. Năm 2017, cả nước xuất khẩu được khoảng 214.000 tấn nhưng giá trị hồ tiêu xuất khẩu ước đạt 1,11 tỷ USD, giảm 21% so với năm 2016. Năm 2018, xuất khẩu được 232.000 tấn, giá trị đạt 758,8 triệu USD, giảm 32,1% về giá trị.

Tiêu trượt dài trong mất giá, thiếu hướng phát triển bền vững - Ảnh 1.

Bước sang 2019, giá hồ tiêu xuất khẩu liên tiếp sụt giảm, "bức tranh" toàn ngành nhìn chung theo xu hướng lượng xuất khẩu đi lên, song điều cần nhất là giá trị lại theo chiều đi xuống.

Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy: 11 tháng năm 2019, xuất khẩu hồ tiêu ước đạt 269 nghìn tấn và 677 triệu USD, tăng 23,3% về khối lượng nhưng giảm 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Trong tương lai sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn khi giá hồ tiêu vẫn ở mức rất thấp và chi phí sản xuất lại có chiều hướng tăng, ít nhất 10% so với năm 2017.

"Đây cũng là lý do trong 8 tháng đầu năm 2019, Việt Nam dù đã xuất khẩu tiêu đạt 224.000 nghìn tấn, tăng 27,9% so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch lại giảm nhẹ 2,1% và chỉ đạt 571 triệu USD, do giá xuất khẩu giảm 23,4%." Cục Xuất nhập khẩu cho hay.

Bên cạnh đó, mức đầu tư cho tiêu chất lượng còn thấp và chưa hiệu quả. Hiện nay, toàn quốc có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu. Sản phẩm hồ tiêu chế biến chủ yếu gồm các mặt hàng như tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột,... Điểm đáng chú ý là, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý. Tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng. Hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.

Con đường quay về thời "hoàng kim"?

Quay về thời "hoàng kim", khi giá hạt tiêu đã lên tới mức hơn 200.000 đồng/kg, cụ thể, năm 2013, 2014 là năm giá hồ tiêu cao nhất, khoảng 230.000 đồng/kg. Đó cũng là lúc nông dân ở các địa phương mở rộng diện tích tiêu. Thậm chí, tiêu còn được trồng ở cả những diện tích không đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu với hy vọng đạt được giá trị cao, khiến cho cơ cấu ngành bị phá vỡ.

Tiêu trượt dài trong mất giá, thiếu hướng phát triển bền vững - Ảnh 2.

Sản xuất hồ tiêu của Việt Nam được đánh giá chưa bền vững chủ yếu do diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh, đặc biệt là ở các vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong giai đoạn giá tốt. Bên cạnh đó, sản xuất theo hướng GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa toàn diện; tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành hồ tiêu…

Muốn tăng giá trị phải thay đổi. Bởi vậy, thời gian tới, giải pháp quan trọng để ngành hồ tiêu phát triển bền vững là phải chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt 30-40%, tiêu bột đạt 20% vào năm 2030; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu…

Bên cạnh đó, việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do cũng vô cùng quan trọng. Đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 0904) ngay khi hiệp định có hiệu lực. Do vậy, EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%)." Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Mai Trang
Cùng chuyên mục