Tín dụng đột ngột tăng mạnh, 420.000 tỷ đang được "rót" vào đâu?
Tăng trưởng tín dụng đạt 4,03%, gần 420.000 tỷ được "rót" thêm vào nền kinh tế
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 21/3/2022 đạt 4,03% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều mức tăng cùng thời điểm năm 2021 là 1,47%.
Với mức tăng 4,03%, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt xấp xỉ 10,82 triệu tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 12/2021, tín dụng toàn ngành đạt 10,4 triệu tỷ đồng.
Như vậy, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế gần 420.000 tỷ đồng trong gần ba tháng đầu năm.
Trước đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng toàn hệ thống cuối tháng 1 tăng 2,74%, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, sau đó giảm nhẹ trong tháng 2.
Đến ngày 25/2/2022, tín dụng tăng 2,52%, trong đó tín dụng bằng đồng nội tệ tăng 2,34%, ngoại tệ tăng 3,96%).
Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vào quý I/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Cũng trong thời gian trên, số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49 % (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 2,15% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 0,54%).
Như vậy, đến 21/3 (sau gần 3 tháng) tổng phương tiện thanh toán đạt 13,73 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng thêm hơn 300.000 tỷ đồng.
Cập nhật của Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021.
Quy mô huy động vốn tăng nhẹ so với cuối 2021 (tăng 0,32%), trong đó, quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 1,21% do yếu tố mùa vụ (Tết Nguyên Đán).
Ngược lại, tiền gửi của dân cư ghi nhận tăng 1,95%, cao hơn với mức tăng trung bình 1,25% tháng 1 hàng năm trong giai đoạn trước dịch từ năm 2015 đến 2020.
Mức tăng trưởng tiền gửi từ khu vực dân cư trong tháng 1 cho thấy dòng vốn có thể đang quay trở lại hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh lãi suất huy động cũng đã tăng nhẹ khoảng 25 – 50 điểm cơ bản so với cuối năm 2021.
Trong năm 2022, nhiều công ty chứng khoán dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14 - 15%. Đồng thời lãi suất nhiều khả năng đã chạm đáy trong năm 2021 và sẽ nhích tăng trở lại vào cuối năm.
Tiền đang đổ vào đâu?
Số liệu cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tính đến hết tháng 1/2022, trong 10,7 tỷ đồng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông chiếm 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 2,07% so với cuối năm 2021.
Dư nợ tín dụng đổ vào Công nghiệp và xây dựng tăng 2,34%, đạt 2,9 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, lĩnh vực nông lâm thủy sản đạt 838.000 tỷ đồng, tăng 1,63% so với cuối năm 2021 – đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong các lĩnh vực kể trên.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định số 422/QĐ-NHNN Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hành tín dụng đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản và chứng khoán,... tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.