Tỉnh công nghiệp trải 'thảm đỏ' cho nông nghiệp

28/01/2021 06:24 GMT+7
Mô hình thành lập các Khu Nông nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) của Bình Dương đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển.

Mô hình thành lập các Khu Nông nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) của Bình Dương đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển.

Một số doanh nghiệp điển hình

*** Công ty Cổ phần Anova Agri Bình Dương (trước đây là Công ty Cổ phần phát triển Nông nghiệp Bình Dương) được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao (CNC) tại xã Phước Sang và Tân Hiệp (huyện Phú Giáo, Bình Dương) từ năm 2011 với tổng diện tích đất được giao hơn 471 ha.

Đến nay, công ty đã đưa vào ứng dụng CNC trong chăn nuôi bò sữa thông qua phần mềm quản lý đàn tiên tiến của Châu Âu. Công nghệ chuồng trại theo một quy trình khép kín, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của bò và kế hoạch chu chuyển đàn tổng thể.

Tỉnh công nghiệp trải  'thảm đỏ' cho nông nghiệp - Ảnh 1.

Trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ cao tại Công ty Cổ phần Anova Agri Bình Dương. Ảnh: PB

Mỗi khu chuồng đều có sân chơi được bố trí xen kẽ với từng khu vực chuồng trại, vừa có tác dụng cách ly cục bộ, tạo độ thông thoáng, vừa đảm bảo sự vận động cần thiết cho các cá thể bò sữa.

Công nghệ điều khiển vi khí hậu trong chuồng kiểm soát bởi máy đo và phần mềm quản lý, có tác dụng cân bằng nhiệt độ trong chuồng trại ở một mức phù hợp và chống stress nhiệt cho bò.

Công nghệ dây chuyền vắt sữa tự động, với dây chuyền vắt sữa được chọn là dây chuyền theo công nghệ tự động hóa, quản lý và vận hành bằng phần mềm kết nối với hệ thống dữ liệu ghi nhận từ chíp điện tử đeo cổ bò kết hợp với máy đo trong quá trình vắt sữa để từ đó phân tích dữ liệu để đưa ra các báo cáo kịp thời.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã áp dụng công nghệ làm lạnh và bảo quản sữa tự động và quản lý chất lượng sữa bằng việc tự động điêu chỉnh hạ nhiệt độ của sữa xuống ở mức nhiệt độ phù hợp hơn, từ đó có thể giữ sữa tươi được nhiều ngày.

Công nghệ dinh dưỡng và kiểm soát việc cho bò ăn được áp dụng, phù hợp theo từng lứa tuổi và từng nhóm bò, chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng lứa tuổi bò và từng nhóm bò cụ thể…

Từ việc ứng dụng CNC, công ty đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP (năm 2018) và chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật (năm 2019).

Đến nay, tổng đàn bò sữa của công ty trên 850 con, trong đó có 634 con đang khai thác sữa (mới nhập về 230 con bò sữa giống Newzeland). Năng suất sữa trung bình đặt 17,7 kg/con/ngày. Tổng sản lượng sữa khai thác từ 6,4 - 6,8 tấn/ngày. Trong đó, lượng sữa kinh doanh đạt khoảng 6,0 - 6,2 tấn/ngày. Tổng sản lượng sữa bình quân khai thác gần 200 tấn/tháng.

* * * Công ty Cổ phần Ba Huân (trang trại Bình Dương) đầu tư chăn nuôi gia cầm vào Bình Dương từ năm 2016 với tổng diện tích đất sản xuất hơn 17 ha. Năm 2017, công ty đã được Bộ NN-PTNT cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC.

Với trang trại ở Bình Dương, công ty đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo công nghệ kín với hệ thống làm mát, nhiệt độ trong chuồng được tự động điều chình phù hợp với tuổi của gà.

Tỉnh công nghiệp trải  'thảm đỏ' cho nông nghiệp - Ảnh 3.

Trang trại nuôi gà áp dụng dây chuyền công nghệ hiện đại của Công ty Cổ phần Ba Huân (trang trại Bình Dương). Ảnh: SNNBD

Việc cung cấp thức ăn và nước uống cho gà được thực hiện trên dây chuyển tự động nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ và động bộ thức ăn, nước uống cho gà đó một cách đồng nhất và đầy đủ.

Đồng thời, việc cho ăn tự động giúp hạn chế tối đa thức ăn thừa vừa tiết kiệm được chi phí thức ăn, vừa hạn chế thức ăn thất thoát ra gây ô nhiễm môi trường cho chuồng trại.

Hệ thống thu gom trứng tự động được đầu tư giúp tiết kiệm thời gian và lao động, đồng thời giúp cho công nhân chăn nuôi hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc với gà nhằm hạn chế dịch bệnh và bảo vệ sức khoẻ cho người lao động.

Đến nay, tổng đàn gà hậu bị và gà đẻ thương phẩm của công ty có quy mô khoảng 1.000.000 con/20 trại, năng suất bình quân 500.000 quả/ngày.

Trứng gà sau khi thu hoạch được chuyển về nhà máy xử lý trứng của công ty tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh). Hàng năm, công ty bán ra thị trường và phục vụ cho nội bộ khoảng 3,2 triệu con gà con. Công ty cũng đeã đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn với công suất 15 tấn/giờ, phục vụ cho nội bộ và trong thời gian tới sẽ bán ra thị trường.

Cần linh hoạt hơn về thủ tục

Có thể nói, chủ trương thành lập các Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC, kèm theo các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp của Bình Dương những năm qua đã phát huy hiệu quả trên thực tế.

Trước hết, các doanh nghiệp đã được ưu đãi về mặt bằng, cơ sở vật chất, hỗ trợ về vốn… Qua đó đến nay đã đầu tư một cách bài bản, theo hướng ứng dụng CNC trong sản xuất có hiệu quả cao.

Mặc dù vậy, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao tại các Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC của Bình Dương thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số vấn đề.

Tỉnh công nghiệp trải  'thảm đỏ' cho nông nghiệp - Ảnh 4.

Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC của Bình Dương đã trải "thảm đỏ", tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: PB

Đối với các Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh, đòi hỏi vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng rất lớn, nên đối tác đầu tư không nhiều. Quá trình xây dựng, trình phê duyệt đề án hoạt động, quy hoạch phân khu sản xuất của các doanh nghiệp đòi hỏi cần phải linh hoạt điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu thị trường, đảm bảo hiệu quả hoạt động tối ưu.

Điều này dẫn đến các sai khác so với phương án được duyệt. Trong khi đó, quá trình các doanh nghiệp báo cáo xin ý kiến để điều chỉnh còn chậm, không kịp thời nên việc tổ chức quản lý sản xuất và hướng dẫn hỗ trợ của các cơ quan chức năng còn hạn chế đối với hoạt động của các Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC.

Mô hình tổ chức hoạt động của các Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC đã được phê duyệt vẫn còn nhiều tranh luận.

Bước đầu thành lập, mục tiêu là tạo các phân khu chức năng và dự kiến nhiều phương án huy động vốn. Tuy nhiên sau quá trình tổ chức thực hiện, hầu hết các khu Nông nghiệp ứng dụng CNC hiện tại chủ yếu tự tổ chức sản xuất hoặc góp phần để hình thành công ty đầu tư dự án sản xuất.

Vì vậy, hầu hết các Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương chỉ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp ứng dụng CNC, không theo hướng bố trí hạ tầng để tổ chức sản xuất theo tinh thần của Khu nông nghiệp ứng dụng CNC.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC đã có mạng lưới bán hàng cho sản phẩm của mình, đó là các siêu thị, hệ thống phân phối, cửa hàng nông sản sạch... Tuy nhiên đối với nhiều mô hình khởi nghiệp khác, việc tiêu thụ sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn.


Phan Bằng
Cùng chuyên mục