Tỉnh Quảng Nam “mạnh tay” với tàu, thuyền tự ý tắt giám sát hành trình

22/03/2024 10:52 GMT+7
UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ Quốc phòng về việc chỉ đạo, xử lý các tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình.

Ngày 22/3, nguồn tin cho biết, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ Quốc phòng về việc chỉ đạo xử lý các tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tại khu vực giáp ranh Philippines.

Theo tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn hiện có 637/642 tàu cá đăng ký khai thác thủy sản tại vùng khơi được lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), trong đó có 59 tàu câu mực khơi chủ yếu khai thác ở sát mép trong của vùng biển Việt Nam và vùng biển giáp ranh Philippines.

Tỉnh Quảng Nam “mạnh tay” với tàu, thuyền tự ý tắt giám sát hành trình- Ảnh 1.

Tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam vươn khơi bám biển. Ảnh: CTV

Qua theo dõi trên Hệ thống giám sát tàu cá (do Cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và PTNT phát triển), có nhiều tàu câu mực khơi mất kết nối thiết bị VMS tại khu vực giáp ranh Philippines; UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và địa phương liên quan mời các chủ tàu cũng như chỉ đạo lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương đến tận nhà gặp trực tiếp người nhà các chủ tàu cá mất kết nối VMS trên biển để tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác IUU, các quy định về xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm tổ chức khai thác hải sản tại vùng biển nước ngoài hoặc hành vi môi giới, tổ chức xuất cảnh trái phép.

Đồng thời, yêu cầu các chủ tàu hoặc người nhà các chủ tàu khẩn trương liên hệ các tàu cá này nhanh chóng có tín hiệu VMS tại vùng biển được phép khai thác thủy sản của Việt Nam, tuyệt đối không được đưa tàu cá sang vùng biển các nước khác khai thác.

Tỉnh Quảng Nam “mạnh tay” với tàu, thuyền tự ý tắt giám sát hành trình- Ảnh 2.

Giám sát hành trình được bắt trên tàu, thuyền. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, từ ngày 15/3 đến nay, số tàu cá mất kết nối VMS ở vùng biển giáp ranh Philippines vẫn chưa được khắc phục. Vùng biển tàu cá bị mất kết nối VMS là vùng giáp ranh giữa Việt Nam và Philippines nên rất nhạy cảm.

Trong khi đó, việc tuyên truyền đối với các tàu này của tỉnh hiện chưa có hiệu quả. Lý do, vào mùa này ngư trường ở Việt Nam mà tàu câu mực khơi khai thác gió mạnh, sản lượng mực ít, khai thác không hiệu quả; Ngư trường ngoài vùng được phép khai thác biển êm, sản lượng mực nhiều gấp 3-4 lần.

Ngoài ra, mức phạt đối với nhóm tàu có chiều dài lớn nhất dưới 24m với hành vi mất kết nối VMS tối đa chỉ 30.000.000 đồng nên chưa đủ tính răn đe.

Vì vậy, tỉnh đã dùng nhiều biện pháp mạnh nhưng đến nay nhóm tàu câu mực khơi này vẫn tiếp tục tái phạm và có nguy cơ tăng lên.

"Với tình hình hiện nay, nhiệm vụ chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Để sớm khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất với Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Quân chủng Hải quân, trong quá trình tuần tra, quản lý biển, đảo tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các tàu cá hoạt động tại các vùng biển giáp ranh với các quốc gia, vùng lãnh thổ chấp hành đúng quy định pháp luật; phải duy trì kết nối VMS đảm bảo 24/24 giờ theo quy định.

Trường hợp phát hiện các tàu cá hoạt động tại vùng biển giáp ranh, không duy trì kết nối VMS tiến hành lập biên bản, bàn giao cho cơ quan chức năng của tỉnh có tàu cá đó xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng có biện pháp yêu cầu các tàu cá mất kết nối VMS ngay tại vùng biển giáp ranh biên giới Philippines quay về vùng biển được phép khai thác của Việt Nam để tránh ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ "Thẻ vàng" của cả nước", UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Trước đó, vào đầu tháng 1/2024, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ngư dân Huỳnh Văn Trí (SN 1979, trú thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) với tổng số tiền hơn 370 triệu đồng.

Ông Huỳnh Văn Trí đã có 3 hành vi vi phạm hành chính, trong đó hành vi thứ nhất là không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên, trừ trường hợp bất khả kháng.

Ngoài bị xử phạt tiền ra, ông Trí còn bị xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng II thời hạn trước là 7 tháng, 15 ngày theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 20 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP,ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Trương Hồng
Cùng chuyên mục