Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự báo có thể đạt 6,4% nửa cuối năm
Báo cáo của Diễn đàn kinh tế vĩ mô Trung Quốc cho thấy, nửa đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 2,7%. Nửa cuối năm, cùng với sự ổn định của tình hình dịch bệnh, dưới tác động tổng hợp của chính sách vĩ mô toàn diện và sự điều chỉnh hồi phục của chủ thể thị trường, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trở lại, GDP có thể đạt được 6,4% và cả năm là 4,7%.
Thường vụ Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Dương Vĩ Dân cho biết, từ tháng 3 trở lại đây, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc với mức độ nghiêm trọng chỉ sau đầu năm 2020, tình hình kinh tế ở thời kỳ khó khăn nhất kể từ Quý 1/2020, thậm chí ở một số mặt còn nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, dịch bệnh đã ổn định, các giải pháp phòng chống bệnh ngày càng chính xác. Sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc đã trở lại đúng quỹ đạo. Nửa cuối năm, nếu không xuất hiện dịch bệnh quy mô lớn, nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng.
Phát biểu tại diễn đàn, nguyên Thị trưởng thành phố Trùng Khánh, Hoàng Cơ Phàm cho rằng, hiện tại, việc vận hành kinh tế của các nước trên thế giới điều chịu ảnh hưởng và tác động của 3 yếu tố là sự bùng phát trở lại của dịch bệnh, sự leo thang của xung đột Nga - Ukraine và sự gia tăng cạnh tranh địa chính trị. Đối phó với thách thức mới, Trung Quốc cần chiếm thế chủ động trong việc tăng cường nâng cấp liên tục chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng, cũng như vòng xoáy mới của sự chuyển đổi sản xuất và cách mạng khoa học công nghệ.
Theo thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Vương Nhất Minh, Trung Quốc cần phải ổn định thị trường kinh tế vĩ mô và phấn đấu đạt được kết quả khả quan trong quý 2. Đối với các chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ thận trọng là đủ và bước tiếp theo là nghiên cứu sử dụng lãi suất chiết khấu để hỗ trợ các tổ chức tài chính trong hoạt động kinh doanh, tiêu dùng và tín dụng.
Chính sách tài chính chủ động cũng cần được tăng cường, chẳng hạn như nâng mức thâm hụt một cách hợp lý, điều chỉnh ngân sách và thúc đẩy hơn nữa việc mở rộng nhu cầu trong nước của Trung Quốc.
Đối với cơ sở hạ tầng, mặc dù đã duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh dưới sự hỗ trợ của việc đẩy mạnh phát hành trái phiếu đặc biệt nhưng vẫn bị hạn chế bởi dự phòng, sử dụng vốn, áp lực thu chi tài khóa của địa phương và giải quyết nợ tiềm ẩn. Do đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng có thể chống lại sự suy giảm đầu tư vào bất động sản và sản xuất hay không còn phụ thuộc vào sức mạnh của chính sách trong các bước tiếp theo./.