Tôm càng đỏ: Nhỏ mà vô cùng nguy hiểm!

21/05/2019 13:14 GMT+7
Thời gian gần đây, tôm càng đỏ nổi lên ở thị trường Trung Quốc và nhanh chóng được một số người Việt hiếu kì đặt mua mà không hề biết hết những thiệt hại mà loài "sinh vật ngoại lai xâm lược" này đem lại.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian gần đây, tôm càng đỏ (còn gọi là tôm hùm đất) đã được đưa vào sử dụng ở Việt Nam dưới dạng thực phẩm ở khá nhiều địa phương. Đây là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm và có sức chống chịu, thích nghi cao. Loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác. Bên cạnh đó, khả năng tự nhân bản có thể khiến loài động vật này dễ dàng chiếm lĩnh môi trường nơi chúng sinh sống.

2 càng lớn của tôm hùm đất có thể cắt đứt cây lúa

Xuất phát từ Trung Quốc nhưng thời gian gần đây, loại tôm hùm đất này bất ngờ gây sốt trên thị trường, được nhiều người đặt mua về ăn vì lạ. Một đầu mối buôn bán hải sản tên Nguyễn Văn Trung chuyên đổ sỉ tôm hùm đất ở Lào Cai cho biết, họ nhận bán và giao hàng loại tôm này trên cả nước. Giá tôm dao động từ 200.000-230.000 đồng tùy vào size tôm lớn hay nhỏ.

Loại tôm hùm này nhập từ Trung Quốc, là hàng tươi sống. Ở Việt Nam thì không có. Tôm nhập từ Trung Quốc về được đóng vào thùng xốp trọng lượng 20kg/thùng. 1kg tôm được khoảng 32 - 30 con. 

Các đầu mối đổ sỉ khẳng định tôm này được nhập từ Trung Quốc, hàng luôn có sẵn với số lượng lớn

Tại công văn hoả tốc số 3438 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kí ngày 17/5 nêu, thời gian gần đây tôm càng đỏ (còn gọi là tôm hùm đất) được đưa vào sử dụng ở Việt Nam dưới dạng thực phẩm ở khá nhiều địa phương.

Đây là loài tôm không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.

Nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các ban ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Khi phát hiện có phát tán ra môi trường, phải tiến hành khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm càng đỏ - sinh vật ngoại lai xâm hại này. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ này đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp; ngăn chặn sự phát tán của loài này ra môi trường tự nhiên. 

Theo các tài liệu nghiên cứu khoa học, tôm hùm đỏ lớn rất nhanh ngay cả trong điều kiện ít nước. Mùa khô chúng có thể chịu đựng khô hạn đến 4 tháng và vòng đời có thể kéo dài đến 6 năm.
Tác hại của tôm hùm đỏ rất lớn, chúng đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virút gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.

Mai Trang
Cùng chuyên mục