Toyota phải giảm sâu sản lượng xe khi dịch bùng ở nhiều quốc gia ASEAN đe dọa nguồn cung

20/08/2021 16:53 GMT+7
Hôm 19/8, Toyota Motor thông báo sẽ cắt giảm 40% sản lượng sản xuất toàn cầu trong tháng 9 so với kế hoạch đề ra trước đó do sự bùng phát dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia Đông Nam Á gây áp lực lên nguồn cung của hãng ô tô hàng đầu Nhật Bản.

Toyota lên kế hoạch sản xuất khoảng 900.000 ô tô một tháng, nhưng con số này dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 500.000 xe trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 lây lan rộng tại nhiều quốc gia Đông Nam Á. Khác với các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, Toyota Motor ít bị tác động bởi cuộc khủng hoảng chip toàn cầu. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát ở Đông Nam Á, nơi đặt các nhà máy quan trọng trong chuỗi cung ứng của Toyota Motor đã khiến hãng này đối diện với tình trạng thiếu hụt linh kiện trầm trọng khi buộc phải tạm dừng nhiều dây chuyền sản xuất và lắp đặt.

Người phát ngôn Toyota Motor cho biết: “Tình trạng thiếu chip cũng là một vấn đề, nhưng rủi ro lớn nhất là tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam và Malaysia”.

Theo Toyota Motor, việc kế hoạch sản xuất trong tháng 10 có bị ảnh hưởng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại các quốc gia Đông Nam Á này có sớm được kiểm soát hay không.

Toyota phải giảm sâu sản lượng xe khi dịch bùng ở nhiều quốc gia ASEAN đe dọa nguồn cung - Ảnh 1.

Toyota phải giảm sâu sản lượng xe khi dịch bùng ở nhiều quốc gia ASEAN đe dọa nguồn cung (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Do ảnh hưởng của việc cắt giảm sản lượng sản xuất, một số nhà máy Nhật Bản cũng sẽ phải tạm dừng nhiều dây chuyền từ tháng tới. Dự kiến tổng cộng có khoảng 14 nhà máy trong nước của Toyota, bao gồm nhà máy Takaoka ở tỉnh Aichi sẽ chịu những tác động như vậy. Quy mô sản xuất ở các khu vực Bắc Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu và một số thị trường khác cũng sẽ giảm xuống còn 220.000 xe.

Với việc giảm sản lượng toàn cầu trong tháng 9 xuống còn 500.000 xe, đây dự kiến sẽ là tháng mà Toyota ghi nhận sản lượng thấp nhất kể từ hồi tháng 5 năm ngoái, khi đại dịch tấn công các nhà máy của hãng ô tô này ở Mỹ và châu Âu.

Hiện Toyota vẫn chưa hạ dự báo sản lượng hay ước tính doanh thu và lợi nhuận cho năm tài chính hiện tại.

Không riêng Toyota, nhiều nhà sản xuất ô tô khác cũng bắt đầu chịu tác động khi các đợt bùng phát dịch ở một số quốc gia Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung làm gián đoạn hoặc giảm công suất dây chuyền sản xuất.

Chẳng hạn, Honda Motor đã cắt giảm sản lượng xe tại thành phố Quảng Châu của Trung Quốc trong tháng này khoảng 20.000 xe, tương đương 20% kế hoạch sản xuất. Còn Nissan Motor đã buộc phải đóng cửa nhà máy ở bang Tennessee của Mỹ trong hai tuần do ảnh hưởng từ việc thiếu nguồn cung chip từ Malaysia. 

Năm 2021 là một năm không mấy sáng sủa với các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, khi cuộc khủng hoảng thiếu chip kéo dài và sự bùng phát trở lại đại dịch Covid-19 gần đây gây tác động đáng kể lên sản lượng sản xuất xe. 

Công ty tư vấn AlixPartners từng đưa ra dự báo rằng cuộc khủng hoảng chip toàn cầu có thể sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu thiệt hại 110 tỷ USD trong năm nay. Dự báo này tăng mạnh 81,5% so với con số ban đầu 60,6 tỷ USD mà AlixPartners đưa ra hồi cuối tháng 1, khi cuộc khủng hoảng chip bắt đầu ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô, buộc một số hãng cắt giảm sản lượng sản xuất tại nhà máy.

AlixPartners dự báo rằng ngành công nghiệp ô tô có thể bị giảm sản lượng 3,9 triệu xe trong năm nay do tình trạng thiếu chip, tăng mạnh từ mức dự báo giảm 2,2 triệu xe hồi tháng 1.

Ông Mark Wakefield, một nhà lãnh đạo cấp cao tại AlixPartners cho hay có một số yếu tố góp phần làm gia tăng dự báo thiệt hại như vụ hỏa hoạn tại một nhà máy sản xuất chip cho Renesas gần Tokyo cũng như một số yếu tố thời tiết.

“Cuộc khủng hoảng chip do đại dịch gây ra đã trở nên trầm trọng hơn bởi những sự kiện thường không gây ảnh hưởng nhiều đến ngành công nghiệp ô tô, chẳng hạn như vụ cháy nhà máy sản xuất chip quan trọng, thời tiết khắc nghiệt ở Texas và hạn hán ở Đài Loan” - ông Mark cho biết trong một thông cáo báo chí. “Nhưng tất cả những điều này đã hội tụ với cuộc khủng hoảng chip trầm trọng, đe dọa khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trong dài hạn”.


NTTD
Cùng chuyên mục