TP.HCM: Giá thủy sản và gia cầm lên cao giữa cơn bão dịch tả lợn

02/04/2019 10:12 GMT+7
Dù dịch tả heo châu Phi vẫn chưa vào TP.HCM nhưng sức mua của mặt hàng này vẫn giảm mạnh, người dân chuyển sang dùng các loại thịt khác thay thế đã đẩy giá của gia cầm, thủy hải sản lên cao.

Tại các chợ ở TP HCM, giá thịt bò tăng 20.000 đồng so với trước đây lên 230.000-270.000 đồng một kg (tùy loại). Giá gà công nghiệp thay vì 45.000 đồng nay cũng tăng lên 55.000 đồng một kg, gà ta lên 130.000-140.000 đồng một kg. Các loại cá như điêu hồng, chép, trê tăng 15.000-20.000 đồng mỗi kg.

Theo các tiểu thương, giá các mặt hàng này tăng mạnh là do sức mua tăng đột biến. Chị Hạnh, tiểu thương chợ Thị Nghè (Bình Thạnh, TP HCM) cho biết, 3 tuần gần đây thay vì lấy 10 kg thịt gà như thông thường, mỗi ngày chị đều tăng gấp đôi hoặc gấp ba lượng nhập so với trước đó. Không những vậy, các quán ăn trước kia mua sườn heo nhiều thì nay giảm số lượng và chuyển sang thu mua đùi gà với số lượng lớn. 

Sức mua thịt gà tăng đột biến (ảnh minh họa) 

Là đầu mối cung cấp thịt gà, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty San Hà Foods cho biết, mỗi ngày công ty bán ra 200 tấn thịt, cao gấp đôi so với trước đây. Trước đây, tăng trưởng bình quân của công ty đạt khoảng 10-15% nhưng từ đầu năm đến nay đã đạt 30%. Công ty đang đẩy mạnh nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Sản lượng bán ra tăng cao nhưng theo bà Hà, giá sản phẩm tại siêu thị đang ở mức khá thấp, thấp hơn 20% so với thị trường do tham gia chương trình bình ổn, kéo theo mức lãi giảm. Do đó, bà Hà đề nghị cơ quan quản lý chương trình bình ổn cho doanh nghiệp điều chỉnh giá để phù hợp với nhu cầu thị trường.

Sở Công Thương cho biết sẽ xem xét để doanh nghiệp cung cấp thực phẩm có giá điều chỉnh hợp lý. Tuy nhiên, theo nhà chức trách, sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để kịp thời điều tiết, bình ổn các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường.

Theo FAO, Dịch tả lợn châu Phi KHÔNG lây sang người và gây bệnh cho con người. Tuy nhiên, vi rút ASF gây tử vong cho lợn nuôi và lợn rừng. Bệnh này trước kia chỉ giới hạn ở khu vực châu Phi với một vài ổ dịch từng xảy ra ở châu Âu. Tuy nhiên, vào năm 1997, châu Âu đã có một ổ dịch mới và dịch tiếp tục lây lan chậm nhưng liên tục từ Đông Âu sang châu Á trong 12 năm qua.
Vào ngày 19/2/2019, Việt Nam đã công bố đợt bùng phát ASF đầu tiên tại hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Tính đến ngày 20/3/2019, Cục Thú y xác nhận có 20 tỉnh có dịch, hơn 30.000 con lợn đã bị tiêu hủy.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục