Tp.HCM: Tăng cường liên kết chuỗi thúc đẩy tiêu thụ nông sản chủ lực
Kết nối chuỗi liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ theo quan hệ cung cầu sẽ ổn định và bền vững đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân.
Một siêu thị nông sản ở TP.HCM
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho biết, thành phố đang chuyển dần từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị với mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 5,6%. Các sản phẩm từ chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đang có bước phát triển mạnh, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp dự kiến đến năm 2020 là 800 triệu đồng/ha.
Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân TP.HCM), ông Nguyễn Văn Tủi chia sẻ, hiện sản phẩm nông nghiệp thành phố chưa cung cấp đủ cho thị trường thành phố; trong khi sản xuất và tiêu thụ tại thành phố có thuận lợi là chi phí vận chuyển cho việc bán sản phẩm thấp, thời gian vận chuyển ngắn giúp hạn chế chi phí bảo quản.
Hiện TP.HCM có hơn 5.000 trang trại hộ gia đình, 68 hợp tác xã và gần 230 tổ hợp tác sản xuất. Tuy nhiên, nông nghiệp thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 40% nhu cầu tiêu dùng của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh thành khác và cả nước ngoài.
Mặt khác, việc phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực cũng gặp nhiều khó khăn. Quỹ đất canh tác của thành phố ít, chi phí đầu tư canh tác ứng dụng công nghệ cao còn lớn. Các nông hộ và tổ hợp tác chỉ liên kết với nhau về kỹ thuật, chưa liên kết về mặt buôn bán và chất lượng sản phẩm...
Ông Lê Văn Được, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ cho biết, các hộ nuôi tôm ở Cần Giờ vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định. Mỗi năm Cần Giờ sản xuất được khoảng 10.000 tấn tôm, nhưng chưa ký kết được hợp đồng tiêu thụ với các hệ thống siêu thị do không đáp ứng được yêu cầu về việc duy trì sản lượng thường xuyên. Còn bán tôm cho các thương lái sẽ phải qua nhiều khâu trung gian khiến lợi nhuận của nông dân bị giảm.
Trong thời gian qua, thành phố đã có những nỗ lực trong việc kết nối doanh nghiệp và nông dân ngày càng gần nhau hơn bằng nhiều hình thức. Nhưng những kết quả đó chưa mang tính lan truyền rộng rãi và trở thành phong trào chung, tạo những nét đột phá rõ rệt cho việc tiêu thụ nông sản.
Theo ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng bộ phận thu mua nông sản Saigon Co.op, đơn vị luôn đặt yêu cầu các hợp tác xã, hộ nông dân phải đảm bảo quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, cải tiến chất lượng, bao bì mẫu mã, kết hợp việc áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất và công nghệ xử lý sau thu hoạch để có các sản phẩm đạt chất lượng tốt, có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, đáp ứng nguồn hàng ổn định.
Ông Trường cũng đề xuất các hợp tác xã cần có sự liên kết với các vùng trồng để xác định khả năng tiêu thụ của thị trường, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh tình trạng làm ồ ạt, chạy theo thị trường dẫn đến được mùa mất giá gây thiệt hại cho nông dân.
Còn ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), đơn vị quản lý kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền cho biết, đối với mặt hàng thịt heo, Satra kiểm soát chặt chẽ lượng thịt heo nhập vào chợ Bình Điền đến các hệ thống phân phối của Satra và các chợ truyền thống khác nhằm đảm bảo được nguồn thịt heo sạch có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo ông Khoa, để nông sản đi vào các chợ đầu mối không quá khó. Vấn đề là sự minh bạch về thông tin trong sản xuất, sản phẩm phải có các chứng nhận, có truy xuất nguồn gốc, chất lượng tốt, số lượng phải đảm bảo, nguồn cung ứng phải đầy đủ và ổn định.
Do đó, người nông dân cần phải thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn đảm bảo các tiêu chuẩn (như VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc, mã vạch, đặc biệt dư lượng các chất cấm…) nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Từ đó giúp ổn định thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường quốc tế.