Tranh thủ thuế 0%, thịt bò Ba Lan muốn thâm nhập thị trường Việt Nam
Theo tổng kết năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ba Lan đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng gần 60% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt gần 1,33 tỷ USD tăng gần 72%.
Nhiều nông sản Việt rộng đường sang Ba Lan
Cả Việt Nam và Ba Lan đều là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản cũng là nhóm hàng chính trong cơ cấu trao đổi thương mại song phương, Trong đó, Việt Nam xuất sang Ba Lan 226 triệu USD (chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Ba Lan); ngược lại Ba Lan xuất vào Việt Nam 132 triệu USD (chiếm 48% tổng xuất khẩu của Ba Lan vào Việt Nam).
Nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ba Lan là thế mạnh của nước ta như thủy sản, hàng dệt may, sản phẩm từ chất dẻo, ngũ cốc, cà phê, giày dép các loại. Đặc biệt, hiện nay, Ba Lan cũng đang có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng khác như gạo, nông sản, dầu ăn, thực phẩm hữu cơ, sản phẩm tốt cho sức khỏe từ Việt Nam.
Ngược lại Ba Lan có thế mạnh về nhóm sản phẩm từ gia súc, thức ăn gia súc và dược phẩm. Với một quốc gia chăn nuôi truyền thống như nước ta thì đây đều là những mặt hàng có nhu cầu nhập khẩu khá lớn.
Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết, các doanh nghiệp (DN) Ba Lan đang thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại để đưa hàng hóa của Ba Lan vào thị trường Việt Nam, nhất là mặt hàng thịt bò, trái cây.
Ông Grzegorz Rybarski - Tham tán thương mại Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam - cho biết, nhiều DN Ba Lan trong các lĩnh vực như thực phẩm tươi và chế biến, trái cây tươi và đóng hộp, chiết xuất trái cây đậm đặc, thịt bò, thịt gà, thit gia cầm… đang tìm cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam. Chiến dịch quảng bá nông sản chất lượng cao của Ba Lan tại Việt Nam kéo dài 3 năm và bắt đầu thực hiện từ tháng 8/2019.
Theo ông Piotz Ziemann - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà giết mổ thịt và chế biến thịt nguội Ba Lan - ưu thế của Ba Lan là có thể sản xuất thịt bò với chi phí thấp hơn 17% chi phí trung bình của toàn EU nhưng chất lượng vẫn đứng Top đầu châu lục. 85% thịt bò Ba Lan là dành cho xuất khẩu, tỉ lệ này lần lượt là 55% cho thịt gà và 17% cho thịt heo.
Trong khi thịt heo Ba Lan đã xuất hiện ở thị trường Việt Nam, thịt bò và thịt gà vẫn còn mới mẻ dù đã quen mặt ở các thị trường khó tính châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì thế Hiệp hội sẵn sàng mời các cơ quan chức năng và DN Việt Nam sang tham quan và trực tiếp kiểm tra quy trình sản xuất, chế biến thịt bò tại Ba Lan. Trong thời gian qua, một số cơ quan của Ba Lan cũng đã thăm Việt Nam và bày tỏ mong muốn được xuất khẩu thịt bò sang Việt Nam.
Một số cơ quan của Ba Lan bày tỏ mong muốn được xuất khẩu thịt bò sang Việt Nam.
Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thuế nhập khẩu đối với thịt bò sẽ về 0% sau 3 năm hiệp định có hiệu lực. Như vậy, thời điểm chiến dịch quảng bá nông sản của Ba Lan kết thúc cũng là lúc Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết bỏ thuế nhập khẩu với thịt bò EU. Các DN Ba Lan tin rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện tại, tương lai gần Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiềm năng cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Ba Lan, trong đó có thịt bò.
Mặc dù cùng phát triển nông nghiệp nhưng Việt Nam - Ba Lan không cạnh tranh trực tiếp mà sẽ hỗ trợ hiệu quả cho nhau. Với một nước sử dụng nhiều công nghệ cao trong nông nghiệp, Ba Lan hứa hẹn giúp chúng ta cải tiến công nghệ nông nghiệp, bao gồm đầu tư vào nông nghiệp chuyên ngành, phân bón và máy móc, nâng cao chất lượng và sản lượng trong nông nghiệp.