Trump sắp duyệt gói viện trợ 484 tỷ USD, Trung Quốc bơm thanh khoản 56,1 tỷ CNY hỗ trợ nền kinh tế
Hôm 23/4, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ Covid-19 trị giá 484 tỷ USD nhằm tài trợ cho doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện trong khủng hoảng dịch bệnh. Như vậy, tính đến nay, Mỹ đã chi gần 3.000 tỷ USD để xoa dịu những thiệt hại từ đại dịch Covid-19.
Sau khi được thông qua, dự luật sẽ được Hạ viện chuyển thẳng tới Nhà Trắng. Thủ tướng Donald Trump dự kiến sẽ ký phê duyệt dự luật cứu trợ mới nhất vào tối 23/4 (giờ Mỹ).
Gói cứu trợ bao gồm khoản ngân sách trợ cấp bổ sung 310 tỷ USD cho Chương trình bảo vệ tiền lương khi số người thất nghiệp tại Mỹ tăng vọt lên mức đáng báo động. Cùng với đó là 60 tỷ USD phân bổ cho các ngân hàng, tổ chức tài chính cho vay nhỏ; 75 tỷ USD trợ cấp cho các bệnh viện tuyến đầu chống dịch; 25 tỷ USD tài trợ cho công tác xét nghiệm Covid-19 và 60 tỷ USD cho các khoản trợ cấp khẩn cấp khác.
Trọng tâm của dự luật hướng đến hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện đang gánh chịu sức ép lớn từ sự bùng phát đại dịch Covid-19. Ngoài ra, dự luật cũng chi mạnh cho việc xét nghiệm Covid-19, một trong những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh nhằm sớm đưa Mỹ thoát đỉnh dịch, khôi phục các hoạt động kinh tế.
Tổng thống Donald Trump là một trong những người lên tiếng ủng hộ dự luật viện trợ này. Ông dự kiến sẽ thảo luận về các gói viện trợ giai đoạn 4 ngay sau khi ký phê duyệt khoản viện trợ 484 tỷ USD mới nhất. Nội dung các gói viện trợ giai đoạn 4 sẽ tập trung vào hỗ trợ chính quyền địa phương và các tiểu bang nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Các biện pháp sơ bộ được cân nhắc bao gồm cắt giảm thuế.
Dự luật được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 giết chết gần 50.000 người Mỹ và khiến 26 triệu người mất việc trong 5 tuần gần nhất, có nguy cơ đưa kinh tế Mỹ đến bờ vực suy thoái. Đây là gói viện trợ thứ 4 mà Quốc hội Mỹ thông qua để giải quyết những thiệt hại mà cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 mang đến cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trước đó, Quốc hội Mỹ hồi tháng 3 cũng thông qua gói viện trợ tài chính khổng lồ hơn 2.000 tỷ USD khi Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Đây là gói viện trợ lớn nhất trong lịch sử từng được Quốc hội Mỹ thông qua. Còn Cục Dự trữ Liên bang FED hồi đầu tháng 4 cũng bơm thêm 2,3 nghìn tỷ vào hệ thống tài chính, bao gồm hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi, gói hỗ trợ trả lương nhân viên và các biện pháp khác nhằm cứu doanh nghiệp nhỏ khỏi tình trạng phá sản, vỡ nợ… cũng như các gói can thiệp như mua lại trái phiếu chính quyền địa phương trong nỗ lực cứu vãn nền kinh tế đang tiến gần đến bờ vực suy thoái.
Trong một nỗ lực kích thích kinh tế tương tự, Ngân hàng Trung Quốc PBOC hôm 24/4 cũng tiến hành đợt bơm thanh khoản 56,1 tỷ CNY (khoảng 7,9 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng thông qua công cụ lãi suất cho vay trung hạn MLF khi khoản vay trung hạn có trị giá 267,4 tỷ đến ngày đáo hạn.
Trước đó, hôm 15/4, PBOC đã hạ lãi suất cho vay trung hạn MLF kỳ hạn 1 năm từ 3,15% xuống 2,95% khi các khoản vay cho tổ chức tài chính đến hạn đáo hạn. Đây được xem là mức lãi suất thấp nhất từ tháng 9/2014 đến nay của công cụ cho vay trung hạn MLF. PBOC thường thực hiện các điều chỉnh MLF khi đến hạn đáo hạn khoản vay, qua đó bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính.
Việc bơm thanh khoản 56,1 tỷ CNY đã đưa lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 2,46%, mức thấp nhất kể từ năm 2002. Các quan chức PBOC giải thích động thái bơm thanh khoản nhằm đảm bảo tình trạng thanh khoản dồi dào trong nền kinh tế khi dịch Covid-19 để lại những thiệt hại nặng nề.