Trung Quốc liên tiếp sáp nhập các DN quốc doanh để cạnh tranh với Mỹ

26/06/2021 14:22 GMT+7
Chính phủ Trung Quốc mới đây đã tiết lộ kế hoạch sáp nhập hai công ty công nghệ quốc doanh lớn trong nỗ lực xây dựng các tập đoàn công nghiệp khổng lồ, tăng cường sức cạnh tranh với Mỹ và các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (SASAC) giữa tuần này tuyên bố chấp thuận việc hợp nhất hai công ty công nghệ quốc doanh lớn là Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETG) và Tập đoàn Công nghệ Thông tin Phủ Điền Trung Quốc (Potevio). Thỏa thuận sáp nhập sẽ đưa Potevio trở thành công ty con của CETG, kỳ vọng tạo ra một “tàu sân bay” trong mảng công nghệ thông tin cho Trung Quốc.

Cả CETG và Potevio trước đó đều nằm trong số những doanh nghiệp cốt lõi của Trung Quốc trong mảng công nghệ thông tin, dưới sự giám sát trực tiếp của SASAC.

Trung Quốc liên tiếp sáp nhập các DN quốc doanh để cạnh tranh với Mỹ - Ảnh 1.

CETG là tập đoàn mẹ của hàng loạt công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, trong đó có nhà sản xuất camera giám sát lớn nhất hành tinh Hikvision (Ảnh: Reuters)

Thương vụ sáp nhập khủng Potevio vào CETG là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập chuỗi cung ứng độc lập trong nước cho các ngành công nghiệp trọng tâm, hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ. Bằng cách kết hợp CETG và Potevio thành một thực thể lớn hơn, Bắc Kinh đặt mục tiêu tập trung nhiều vốn hơn để đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển.

CETG hiện đứng thứ 381 trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu do tạp chí Fortune thống kê, hay gọi là Fortune 500, với doanh thu hàng năm ước tính 32,9 tỷ USD. Công ty này có quan hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc, là nhà cung cấp quan trọng cho cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của quân đội, bao gồm hệ thống radar và các thiết bị điện tử quan trọng.

Mỹ từng đưa hàng loạt công ty con của CETG, bao gồm nhà sản xuất camera giám sát lớn nhất hành tinh Hikviosion, vào danh sách đen cùng lệnh hạn chế thương mại do quan ngại công nghệ Mỹ được các công ty này nhập khẩu phục vụ mục đích quân sự.

Với Potevio, thế mạnh của tập đoàn này nằm ở thiết bị truyền thông không dây và bảo mật. Đây cũng là nhà cung cấp chip bán dẫn cho hệ thống mạng viễn thông được sử dụng trong các cơ quan chính phủ. Potevio cũng tham gia vào nhiều lĩnh vực công nghệ chiến lược khác, chẳng hạn cung cấp phần cứng và phần mềm cho các ứng dụng thành phố thông minh hay dịch vụ sạc năng lượng cho các phương tiện sử dụng năng lượng mới.

"Sau khi sáp nhập, các nguồn lực nghiên cứu và phát triển của hai công ty có thể được sử dụng theo những cách hiệu quả hơn" - nhận định của ông Liu Xingguo, nhà nghiên cứu tại China Enterprise Confederation trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Chứng khoán một ngày sau khi SASAC công bố chấp thuận sáp nhập. “Điều này có lợi cho cả hai tập đoàn, vì nó tạo cơ hội đạt đến bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực điện tử và công nghệ thông tin thiết yếu”.

Peng Huagang, Tổng thư ký của SASAC hồi tháng 2/2021 cho hay trong kế hoạch 5 năm gần nhất kết thúc vào năm ngoái, đã có 12 tập đoàn/ công ty quốc doanh tiến hành sáp nhập, và kết quả nhìn chung là tươi sáng.

Trong cuộc họp báo tương tự tại Bắc Kinh, người đứng đầu SASAC Hao Peng tuyên bố rằng việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ vẫn sẽ tiếp tục trong giai đoạn 5 năm tiếp theo bắt đầu vào năm nay, nhằm tái thiết khu vực kinh tế công mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn và chất lượng hơn.

Hồi tháng 5, hai nhà sản xuất hóa chất quốc doanh hàng đầu là Sinochem Group và ChemChina, đã hoàn tất sáp nhập thành Sinochem Holdings. Tập đoàn mới được tạo ra hiện là công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực hóa chất với tổng doanh thu vượt 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (150 tỷ USD) hàng năm và quy mô 220.000 nhân viên.

Tuy nhiên, việc sáp nhập sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế và lợi thế cạnh tranh lớn hơn nếu các đơn vị sáp nhập không tự hợp lý hóa việc tái phân bổ nguồn lực và tái cơ cấu danh mục đầu tư kinh doanh, các nhà kinh tế Nikkei Asian Review lưu ý.


NTTD
Cùng chuyên mục