Trung Quốc tính loại bỏ công nghệ Mỹ khỏi văn phòng Chính phủ
Chính sách được chính quyền Trung Quốc đặt tên là 3-5-2, hướng tới 3 giai đoạn cụ thể trong tiến trình thay thế phần mềm và phần cứng nước ngoài với tốc độ 30% năm 2020, 50% năm 2021 và 20% năm 2022, tờ Financial Times cho hay. Theo các nhà phân tích, ước tính sẽ có khoảng 20-30 triệu thiết bị có phần cứng và phần mềm xuất xứ nước ngoài cần được thay thế tại Trung Quốc.
Cũng theo Financial Times, lệnh này đến từ Văn phòng Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc từ đầu năm 2019 nhưng chưa công khai tới công chúng. Chỉ mới đây, khi ngân hàng đầu tư CSC - được quản lý bởi công ty chứng khoán lớn nhất Trung Quốc CITIC Securities - tiết lộ trong một ghi chú, thông tin mới được truyền đạt đến thị trường.
Neil Campling, chuyên gia nghiên cứu mảng công nghệ - truyền thông - viễn thông từ Mirabaud Securities nhận định rằng đây là một trong những động thái mới nhất của chính phủ Trung Quốc nhằm phản ứng lại trước căng thẳng leo thang với Mỹ trong nhiều tháng qua. “Chính quyền Trung Quốc muốn đảm bảo rằng mọi hoạt động của chính phủ không bị ảnh hưởng bởi xung đột leo thang với Mỹ”.
Tuy nhiên, việc Bắc Kinh chỉ thị thay thế hoàn toàn các thiết bị có phần mềm và phần cứng xuất xứ nước ngoài chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề tới các đại công ty công nghệ Mỹ bao gồm Microsoft, Dell và HP.
Ngay sau thông tin này, cả CSC và Bộ Công nghệ Thông tin Trung Quốc đều chưa đưa ra bình luận nào liên quan. Microsoft, Dell và HP cũng giữ đồng thời im lặng.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại trong hơn một năm qua với tâm điểm tranh chấp nằm ở lĩnh vực thương mại và công nghệ. Kể từ khi đàm phán Mỹ Trung đổ bể hồi tháng 5/2019, Mỹ liên tục gây áp lực lên các công ty công nghệ Trung Quốc bao gồm cả nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất hành tinh Huawei, nhà sản xuất camera giám sát lớn nhất thế giới Hikvision hay nhà nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công nghệ giám sát Dahua Technology. Nhà Trắng còn ban hành một Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng NDAA trong đó cấm các cơ quan chính phủ mua sắm, sử dụng phần cứng hay thiết bị viễn thông do Huawei và một nhà mạng viễn thông Trung Quốc khác là ZTE sản xuất. Bản thân ZTE cũng từng điêu đứng vì lọt vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ.
“Chính sách 3-5-2 của Bắc Kinh có thể được coi là một trong những động thái trực tiếp chống lại các công ty công nghệ Mỹ trong bối cảnh xung đột thương mại. Tác động của chính sách này với đàm phán thương mại sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cách Mỹ phản ứng với chính sách này cũng như việc Bắc Kinh có thực sự đưa nó vào thực tiễn hay không”, trích lời Nick Marro, chiến lược gia toàn cầu từ The Economist Intelligence Unit.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng nỗ lực của Bắc Kinh trong việc loại bỏ hoàn toàn thiết bị phần mềm và phần cứng xuất xứ từ nước ngoài có vẻ không dễ dàng. Ngay cả những công ty công nghệ Trung Quốc như Lenovo cũng sử dụng chip của nhà cung cấp Mỹ Intel, và Trung Quốc giờ đây dường như không có hệ điều hành nội địa nào khả quan để thay thế cho hệ điều hành Microsoft Window. Dù rằng Huawei vừa cho ra mắt hệ điều hành HarmonyOS hồi quý III, nhưng không chắc HarmonyOS sẽ vận hành mượt mà và phù hợp với công tác của chính phủ như Window.
Hơn nữa, động thái này thực tế không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng, do phạm vi thay thế linh kiện chỉ nằm trong các văn phòng chính phủ chứ không phải người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại đây có thể là khúc dạo đầu cho những phản ứng dữ dội hơn từ Bắc Kinh trong việc tách rời khỏi công nghệ Mỹ.