Trước thềm ĐHĐCĐ bất thường, Eximbank lại có 'biến'
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) vừa thông báo ông Yataka Moriwaki không còn là đại diện theo ủy quyền của cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corpation (SMBC) tại Eximbank kể từ ngày 9/12/2019 theo văn bản thông báo thay đổi người đại diện theo ủy quyền của SMBC.
Theo đó, căn cứ vào luật các Tổ chức Tín dụng, chức danh Thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) của ông Yataka Moriwaki kể từ ngày 9/12/2019 sẽ được xử lí theo qui định của pháp luật và điều lệ Eximbank.
Được biết, ông Yataka Moriwaki được bầu làm thành viên HĐQT nhiệm kì 2015-2020 từ tháng 4/2017. Động thái này diễn ra sau khi Eximbank thông báo về kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2019 vào ngày 5/3/2020, chỉ trước hơn một tháng so với thời điểm tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2020. Ngày chốt danh sách cổ đông là 12/12/2019.
Theo đó, tại ĐHĐCĐ lần này, Eximbank sẽ tiếp tục đề cập tới các nội dung đã trình tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 nhưng chưa được thông qua. Bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm sóa nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.
Điều đáng nói là, Sumitomo Mitsu Banking Corproration (SMBC) đã từng có công văn yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông bất thường sau 2 lần Eximbank tổ chức ĐHĐCĐ bất thành trong tháng 4 và tháng 6 vừa qua. Thế nhưng đến nay, khi ĐHĐCĐ bất thường 2019 được ấn định, cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corpation (SMBC) lại "rút" ông Yataka Moriwaki khỏi vị trí đại diện ủy quyền của nhóm cổ đông này tại Eximbank.
Được biết, Eximbank là ngân hàng duy nhất đến nay vẫn chưa tổ chức thành công đại hội cổ đông năm 2019 do tranh chấp giữa các nhóm cổ đông. Ban đầu đại hội cổ đông Eximbank dự kiến tổ chức cuối tháng 4 nhưng bất thành. Sau đó, Eximbank ấn định đại hội vào tháng 5 nhưng lại phải dời vì không chuẩn bị kịp.
Ngày 21/6, Eximbank tổ chức đại hội cổ đông lần 2 nhưng lại nổ ra tranh chấp gay gắt quanh ghế chủ tọa dẫn đến chỉ chưa đầy 40% cổ đông bỏ phiếu đồng ý thông qua quy chế tiến hành đại hội. Eximbank buộc tuyên bố phải hoãn đại hội cổ đông một lần nữa.
Đáng chú ý, chỉ ít ngày sau khi đại hội cổ đông lần 2 của Eximbank tổ chức bất thành lại xuất hiện lá đơn xin từ chức của ông Cao Xuân Ninh - tân chủ tịch HĐQT. Lý do ông Ninh nêu ra là "có quá nhiều bất đồng khó dung hòa dẫn đến các tranh chấp nội bộ, gây khó khăn rất lớn trong quản trị, điều hành, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và hoạt động của ngân hàng".
Liên quan đến Eximbank, trong một báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) là một trường hợp hiếm trong ngành ngân hàng Việt Nam với cổ đông biến động trong 9 năm qua. EIB không phải là một cổ phiếu an toàn đối với các nhà đầu tư tổ chức cho đến khi các vấn đề thanh khoản và cổ đông được ổn thỏa.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý III/2019 của ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố, lũy kế 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động của Eximbank đạt 3.225 tỷ, giảm 2,61% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là thu nhập góp vốn cổ phần giảm mạnh 99% xuống còn 4 tỷ. Cùng kỳ năm ngoái, Eximbank đã ghi nhận khoản thu đột biến hơn 520 tỷ từ việc thoái vốn khỏi Sacombank.
Trong khi tổng thu nhập hoạt động sụt giảm, chi phí hoạt động của Eximbank vẫn tăng 9,2% lên 2.023 tỷ. Điều này đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm 17,5%, chỉ đạt 1.202 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngay cả khi đã giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro 69% xuống còn 99,5 tỷ, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Eximbank vẫn tăng trưởng âm gần 3% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.103 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo Eximbank, nếu loại trừ ảnh hưởng của khoản thu nhập từ thoái vốn khỏi Sacombank năm 2018 thì lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng tăng 78,61% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của Eximbank đạt 158.596 tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay đạt 107.432 tỷ đồng, tăng 3,3%, thuộc hàng thấp nhất hệ thống ngân hàng.
Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 13,3% đạt 134.467 tỷ đồng. Nếu xét về cơ cấu nguồn vốn huy động có thể thấy, trong 9 tháng qua, nguồn huy động từ các tổ chức tín dụng khác đã giảm tới 71% (tương đương 11.420 tỷ đồng); ngược lại, tiền gửi khách hàng tăng 13% (tương đương 15.774 tỷ đồng). Kéo theo đó là chi phí vốn của ngân hàng này tăng mạnh, tới 25% (trong đó chi phí trả lãi tiền gửi tăng 26%).