Từ nay đến cuối năm, giá dầu sẽ lại điêu đứng?

15/09/2020 14:55 GMT+7
Một số nhà phân tích dự báo ngành công nghiệp dầu mỏ có thể phải đối diện với một cú sốc cầu khác trong năm nay.
Từ nay đến cuối năm, giá dầu sẽ lại điêu đứng? - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp dầu mỏ điêu đứng vì nguy cơ từ làn sóng Covid-19 thứ hai

Tại Hội nghị Dầu khí Châu Á Thái Bình Dương do S&P Global Platts tổ chức, các nhà phân tích chỉ ra nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ hai sẽ gây ra một cú sốc cầu khác trên thị trường dầu mỏ. “Rất nhiều người trong số chúng ta đang quan ngại về một cú sốc cầu khác” - Ed Morse, giám đốc điều hành mảng hàng hóa toàn cầu tại Citigroup cho hay. 

Trong khuôn khổ hội nghị, ông Ed Morse cũng cảnh báo về nguy cơ lớn với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ. “Chúng tôi đang chứng kiến nhiều quốc gia quá phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ giờ đây không thể chi trả cho các dịch vụ dân sự, an ninh, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… 

Chúng tôi lo ngại về nguy cơ nhu cầu dầu giảm trong khi lượng dầu tồn kho tăng lên mức khổng lồ. Cá nhân tôi cho rằng nỗi lo lớn nhất lúc này là điều gì sẽ xảy ra với các nước xuất khẩu dầu (trong một kịch bản như vậy)”.

Đầu năm nay, hợp đồng dầu WTI tháng 5 tại Mỹ đã rơi xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử khi giá dầu chịu sức ép lớn từ cả hai phía cung - cầu. Về phía cung, cuộc chiến giá dầu Nga - Saudi Arabia đã khiến cả hai nước tăng cường sản lượng lên mức kỷ lục. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 tàn phá nhu cầu dầu, khiến các kho dự trữ dầu trên thế giới gần như sắp tràn.

Martin Fraenkel, chủ tịch S&P Global Platts dự đoán rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 8 triệu thùng/ ngày vào cuối năm nay. “Chúng ta đang chứng kiến một làn sóng gia tăng các ca nhiễm mới Covid-19 ở rất nhiều nơi trên thế giới. Đó là một mối quan ngại lớn… Cho đến cuối năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu vẫn sẽ ở mức thấp hơn năm 2019”.

Ông Fraenkel nói thêm rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và các đồng minh (còn gọi là OPEC +) cần có “hành động điều chỉnh” nếu nhu cầu dầu không phục hồi trở lại. Hồi tháng 7, OPEC+ đã thống nhất đưa ra mức cắt giảm sản lượng lịch sử lên tới 10 triệu thùng/ ngày. Mức cắt giảm này giảm xuống 7,7 triệu thùng/ ngày từ tháng 8. “Nếu nhu cầu dầu không phục hồi sớm, câu hỏi đặt ra là OPEC+ có thể duy trì cam kết cắt giảm như vậy trong bao lâu để giữ nguồn cung trong tầm kiểm soát và mức giá dao động quanh 40 USD/ thùng dầu?”

“Trong viễn cảnh đó, sự đồng thuận giữa OPEC+ sẽ bị đặt trong thử thách. Vì chúng ta đều biết rằng một số quốc gia như Nga thực sự phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ. Tức là thỏa thuận cắt giảm sản lượng càng kéo dài, ngành công nghiệp dầu mỏ của họ càng chịu nhiều áp lực” - ông Fraenkel cho hay.

Chris Midgley, trưởng bộ phận phân tích toàn cầu của S&P Global Platts chỉ ra một số điểm sáng thúc đẩy nhu cầu dầu. Ví dụ, nhu cầu mua sắm hàng hóa trực tuyến tăng cao trong đại dịch đang khiến xe tải giao hàng hoạt động nhiều hơn. Do đó, nhu cầu dầu Diesel đang phục hồi nhanh hơn. 

“Giá dầu Diesel phản ứng nhanh hơn. Chúng ta có những xe tải chở hàng vận chuyển đi khắp cả nước, cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm” - ông  Felipe Bayon, Giám đốc điều hành của Ecopetrol, một tập đoàn dầu khí lớn ở Colombia nhận định. “Tôi nghĩ nhu cầu nhiên liệu máy bay khó phục hồi hơn. Chúng ta sẽ mất nhiều thời gian hơn”.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục