Từ ngày 1/1/2020, mức đóng BHXH bắt buộc sẽ thay đổi thế nào?
Do mức lương tối thiểu vùng mới áp dụng từ ngày 1/1/2020, nên mức đóng BHXH bắt buộc cũng được điều chỉnh tăng theo.
Quy định mới trong Nghị định 90 năm 2019 của Chính phủ liên quan tới mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc nêu rõ, do mức lương tối thiểu vùng mới áp dụng từ ngày 1/1/2020, nên mức đóng cũng được điều chỉnh tăng theo.
Cụ thể, Vùng 1 mức đóng BHXH của người lao động là 353.600 đồng/tháng, của người sử dụng lao động là 751.400 đồng/tháng; Vùng 2 người lao động đóng 313.600 đồng, chủ sử dụng lao động đóng 666.400 đồng; Vùng 3 người lao động đóng 274.400 đồng, chủ sử dụng lao động đóng 583.100 đồng; Vùng 4 người lao động đóng 245.600 đồng, chủ sử dụng lao động đóng 521.900 đồng.
Mức lương tối thiểu vùng quy định của doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn nào sẽ áp dụng ở địa bàn đó.
Trong trường hợp các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó mà cụ thể ở đây là các công ty, doanh nghiệp chủ quản.
Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới…
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định: mức lương tối thiểu vùng quy định trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm.
Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.
Điểm đáng chú ý của quy định này, là việc doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.