Tỷ giá "hạ nhiệt" sẽ đưa dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán?
Hơn 86.000 tỷ đồng được NHNN bơm vào hệ thống trong tuần qua
Dữ liệu cho thấy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tuần qua (23/12 - 27/12) đã bơm lượng lớn thanh khoản VNĐ cho hệ thống ngân hàng bằng kênh thị trường.
Cụ thể, ở kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO), NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày với khối lượng là 70.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,0%.
Kết quả có 69.999,91 tỷ đồng trúng thầu và có 3.999,93 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố. Tính chung, NHNN đã bơm 66.000 tỷ cho hệ thống ngân hàng qua kênh OMO.
Trên kênh tín phiếu, NHNN tiếp tục đấu thầu lãi suất ở kỳ hạn 7 ngày. Kết quả có 20.810 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất ở mức 4,0%. Trong khi có 41.373 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua. Tương ứng, NHNN đã bơm ròng 20.563 tỷ đồng qua kênh tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng tổng cộng 86.563 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Động thái bơm ròng của NHNN là một quyết định chiến lược, nhằm ổn định thanh khoản trong bối cảnh tỷ giá USD/VND nóng lên và áp lực từ thị trường quốc tế gia tăng.
... nhưng tiền không "chảy" vào thị trường chứng khoán?
Đề cập đến vấn đề NHNN bơm hơn 86.000 tỷ đồng nhưng dòng tiền không chảy vào chứng khoán, ông ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VPBank cho rằng, trong ngắn hạn thị trường chứng khoán Việt Nam còn gặp một số khó khăn.
"Trong giai đoạn vừa qua, USD Index (DXY) đo lường sức mạnh đồng USD tăng lên rất mạnh. Càng gần ngày ông Trump nhậm chức Tổng thống xu hướng phản ánh vào USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ càng cao", ông Sơn nói.
Kết thúc tuần vừa qua, DXY ở mức 108, là kết quả rất cao trong năm nay. Xu hướng này ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến của tỷ giá trong những tuần gần đây.
Do đó, chuyên gia phân tích, ngoài việc NHNN hút bớt trên kênh tín phiếu để đảm bảo giá trị tiền đồng, giảm bớt ảnh hưởng từ thị trường quốc tế nhà điều hành cũng đã bơm thêm tiền, hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng trên kênh liên ngân hàng.
Đối với thị trường chứng khoán VIệt Nam, trong giai đoạn vừa qua, thị trường cũng đã có những khoảng đi ngang, sideway. Nhưng điểm tích cực nhất trong tuần qua là sự trở lại của cổ phiếu ngân hàng, giúp cho VN Index dao động từ 1.260, bật lên trên 1.270 điểm.
Về xu hướng, yếu tố tỷ giá không chỉ tác động đến Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trong khu vực thị trường mới nổi và cận biên (emerging market and frontier) đều bị ảnh hưởng.
Với diễn biến trên, ông Sơn dự báo, thị trường đang ở trạng thái đi ngang, tích lũy nên nhà đầu tư ngắn hạn có thể không thấy hấp dẫn. Nhưng nếu nhìn ở xu hướng trung và dài hạn, đây là nền cho một giai đoạn tăng trưởng sau đó, dự báo vào giữa và cuối 2025. Ngoài ra, định giá của VN-Index trong giai đoạn này cũng hấp dẫn nhất trong 10 năm trở lại đây.
Nhìn lại năm 2024, thanh khoản trung bình toàn thị trường trong đạt trên 21.000 tỷ đồng, đây là mức rất cao chứ không hề thấp. Thanh khoản chỉ sụt giảm từ giữa tháng 7 cho đến nay. Trong năm 2024, giai đoạn thanh khoản cao nhất là 6 tháng đầu năm, có những phiên lên đến 24.000 đến 25.000 tỷ đồng.
Ông Sơn lý giải, yếu tố tác động tới thanh khoản mạnh như vậy là nhà đầu tư kỳ vọng vào việc nâng hạng thị trường, tăng trưởng kinh tế cao và xuất nhập khẩu tốt trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, thanh khoản giảm từ nửa sau năm 2024, phần lớn ảnh hưởng đến từ tỷ giá cũng như việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, rút tiền về.
Giai đoạn rút dòng mạnh nhất cũng là sau tháng 6, đồng pha tỷ giá tăng cao. Khi nhà đầu tư ngoại rút ròng thì tỷ giá cũng chịu tác động. Trong giai đoạn trên, thanh khoản từ nhà đầu tư cá nhân có dấu hiệu thận trọng. Mức sụt giảm sâu nhất vào giữa và cuối tháng 11 khi thị trường tạo đáy. Cho đến nay, thanh khoản đã phục hồi về mức trung bình.
Dự báo trong khoảng 3 – 6 tháng tới, thanh khoản có thể lình xình, đi ngang, chưa rõ ràng. Nhưng kể từ sau giai đoạn Quý 2 thanh khoản sẽ bắt đầu tăng, tương đối cao. Nếu xu hướng thanh khoản 2024 là: tăng ở đầu năm, giảm về cuối năm thì thanh khoản 2025 sẽ ngược lại: thấp ở đầu năm nhưng tăng rất cao ở cuối năm.
Nguyên nhân là ở khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đã rõ ràng. Ở các nước khác trước khi nâng hạng, nhà đầu tư nước ngoài thường mua trước từ khoảng 3 tháng. Do đó, trước tháng 9/2025 (thời điểm FTSE Russell đưa ra quyết định), thanh khoản Việt Nam sẽ tăng rất đáng kể và đến đầu 2026.
"Còn giai đoạn hiện tại đang có những nhiễu động về thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung, nên thanh khoản có thể chưa tăng được ngay. Ngày 20/1/2025 là thời điểm ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Ông đã đe dọa tăng thuế nhập khẩu, khiến nhà đầu tư toàn cầu hồi hộp, chờ đợi. Ngoài ra, đà tăng của USD trong ngắn hạn cũng hạn chế dòng tiền vào thị trường. Do đó, giai đoạn hiện nay, thị trường có thể đi ngang và tích lũy, trước những nhiễu động của thế giới", ông Sơn nhận định.
Nhằm dự báo triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam 2025, VCBS đã sử dụng mức trung bình điều hoà của P/E khu vực Châu Á – Thái Bình Dương làm tham chiếu so sánh để xác định mức định giá của thị trường Việt Nam. Trong những năm trở lại đây, VN-Index đang được định giá tương đương mặt bằng bình quân khu vực. Theo đó, VCBS ước tính P/E của Việt Nam sẽ dao động ở vùng 13.9x – 15.3x trong năm 2024.
Với kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index được dự báo có thể đạt 1.555 điểm với P/E của VN-Index đạt 14,6x và EPS thị trường +12%. Với kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm với kỳ vọng nâng hạng thị trường.