Vất vả cả năm, vì sao người Việt mạnh tay chi tiêu cho ngày Tết?

24/01/2020 06:00 GMT+7
Nhìn vào mức chi tiêu của người Việt dành cho dịp Tết, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Tết là thời điểm người Việt mua sắm, ăn uống và chơi Tết. Nhìn theo khía cạnh kinh tế thì điều này là đòn bẩy cho tăng trưởng, là động lực thúc đẩy kinh tế, thông qua kích cầu tiêu dùng.

Nhiều người cho biết ngay cả khi không phải sắm quá nhiều đồ dùng mới cho gia đình hay đi du lịch thì chi phí cho những ngày Tết cũng khó ở mức dưới 10 triệu đồng.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Loan (42 tuổi, Ba Đình, Hà Nội), mỗi năm gia đình chị chi tiêu tằn tiện cho dịp Tết cũng phải trên 20 triệu đồng. Chị Loan tính, chị mua một cành đào khoảng 2 triệu, một chậu lan 4 triệu đồng, hoa tươi khoảng 500.000 đồng, chưa kể các loại bánh kẹo. Tính sơ sơ cũng khoảng 10 triệu đồng.

"Quà biếu Tết tôi chi mất khoảng gần 5 triệu đồng, biếu bố mẹ đôi bên cũng 5 triệu đồng nữa. Đó là chưa tính thực phẩm ngày Tết, tiền lì xì...", chị Loan nói.

Câu chuyện chi tiêu ngày Tết của chị Loan cũng rất giống với nhiều gia đình Việt Nam khác.

Vất vả cả năm, vì sao người Việt mạnh tay chi tiêu cho ngày Tết? - Ảnh 1.

Theo nhiều bà nội trợ, chi phí cho những ngày Tết cũng khó ở mức dưới 10 triệu đồng.

Theo báo cáo về chỉ số niềm tin người tiêu dùng của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen quý II/2019, Việt Nam là quốc gia có người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm nhất. Theo đó, Việt Nam hiện nằm trong top 2 thị trường có xu hướng tiết kiệm cao nhất với 69%, xếp sau Hong Kong là 70%.

Dù chi tiêu thuộc nhóm nước tiết kiệm nhất thế giới song người Việt lại sẵn sàng "phóng tay" trong dịp Tết Nguyên đán. Báo cáo thị trường Tết của Kantarworldpanel cho thấy tháng Tết 2019, sức mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đạt 46.000 tỷ đồng. Con số này của mùa Tết 2018 là trên 45.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ở cả nông thôn và thành thị, 33% sản phẩm tiêu dùng được mua với mục đích làm quà biếu, vẫn theo Kantarworldpanel.

Nhìn vào mức chi tiêu của người Việt trong dịp Tết, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sự hoang phí của người Việt có thể là do tính sĩ diện và phông văn hóa còn thấp. "Tôi thấy tình trạng lãng phí ở nước ta hiện nay đã thực sự nghiêm trọng. Người dân, doanh nghiệp và các ban ngành vẫn quá coi trọng hình thức, nó đã trở thành một nếp văn hóa trong cộng đồng người Việt mà lâu nay chúng ta chưa thể thay đổi", bà Phạm Chi Lan nói.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng tính sĩ diện đã ăn sâu vào đời sống người dân. Ai cũng muốn đua nhau chạy theo hình thức bề ngoài. Xu hướng này không tốt chút nào trong bối cảnh kinh tế chung đang khó khăn, đất nước còn nhiều hộ nghèo và cận nghèo. Chính bệnh sĩ này lại là nguyên nhân khiến nhiều hộ gia đình vừa thoát khỏi ngưỡng nghèo lại... tái nghèo.

Trên tờ VTCNews, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính) cho rằng người Việt có xu hướng chi tiêu, sắm sửa nhiều trong dịp Tết trước hết là do tập quán từ xa xưa để lại.

"Người Việt quan niệm cả năm có ngày Tết, nên theo phong tục ai cũng muốn sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng mới… Dù giàu hay nghèo nhưng ngày 30 Tết phải có "thịt treo trong nhà". Dù hoàn cảnh còn khó khăn, thậm chí túng đói quanh năm nhưng ngày Tết là phải cố gắng sung túc, đủ đầy, cầu mong cho một năm mới no ấm", ông Long nói.

Vất vả cả năm, vì sao người Việt mạnh tay chi tiêu cho ngày Tết? - Ảnh 2.

PGS.TS Ngô Trí Long

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả còn cho thói quen mua sắm còn xuất phát từ yếu tố lịch sử. "Ngày trước người dân cả nước đều nghèo, nên đón Tết nhất cũng tằn tiện. Kinh tế đất nước giờ khá hơn, đời sống người dân cải thiện nên họ chi tiêu nhiều hơn như một sự bù đắp những tháng ngày đói khổ".

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng một bộ phận người Việt hiện nay có xu hướng thích thể hiện nên thường săn các món hàng độc, lạ, giá đắt đỏ… chơi Tết nhằm thể hiện đẳng cấp.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng Tết là thời điểm người Việt mua sắm, ăn uống và chơi Tết. Nhìn theo khía cạnh kinh tế thì điều này là đòn bẩy cho tăng trưởng, là động lực thúc đẩy kinh tế, thông qua kích cầu tiêu dùng.

"Đúng là Tết nên tiết kiệm, tránh phung phí. Nhưng tiết kiệm khác với chắt bóp, tằn tiện. Trong kinh tế thị trường, muốn có phát triển phải đầu tư, muốn có đầu tư thì phải có tiết kiệm. Xưa chỉ ăn Tết, nay còn chơi Tết. Nên trong bối cảnh hiện tại không nên dùng từ tiết kiệm nữa mà nên dùng chi tiêu hợp lý", ông Ngô Trí Long nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện cuộc đua săn các mặt hàng giá cả đắt đỏ "độc nhất vô nhị" như một cách để các gia đình có điều kiện thể hiện đẳng cấp. Ông Long cho rằng việc chi tiêu quá nhiều và lãng phí như vậy dễ gây phản cảm và không giúp ích gì cho xã hội.

"Những người kiếm được nhiều tiền muốn có khác biệt để chơi Tết nhưng nên cân nhắc, không nên vung tiền mua những thứ "độc nhất vô nhị" chỉ để chơi vài ngày Têt rồi bỏ đi. Nếu tiền đó được dùng vào việc từ thiện, giúp người nghèo có cái Tết no ấm thì niềm vui sẽ lan toả, đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình, nhiều số phận con người không may mắn trong xã hội", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá nhìn nhận.

A.Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục