VDSC: Thị trường chứng khoán tháng 5 dao động trong khoảng từ 1.240 - 1.370 điểm

09/05/2021 12:35 GMT+7
VDSC cho rằng, một trong những yếu tố xúc tác chính thúc đẩy thị trường chứng khoán đó là dòng vốn mới đến từ các quỹ ngoại Fubon ETF và quỹ mới liên quan đến Dragon Capital.

CTCK Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo chiến lược thị trường trong tháng 5/2021 với nhận định, thị trường chứng khoán tháng 5 sẽ tiếp tục tích lũy đi lên và có thể dao động trong khoảng từ 1.240 - 1.370 điểm.

Dòng tiền tươi từ người dân vẫn đóng vai trò chủ đạo

VDSC cho rằng, một trong những yếu tố xúc tác chính thúc đẩy thị trường, đó là dòng vốn mới đến từ các quỹ ngoại Fubon ETF và quỹ mới liên quan đến Dragon Capital.

Theo đó, động lực đến từ quỹ Fubon ETF khi giá trị tài sản ròng của quỹ này đã tăng tới 62% chỉ trong 1 tháng, từ 119 triệu USD lên 309 triệu USD.

Một thông tin đáng chú ý khác đến từ quỹ Vietnam DC25 Ltd., một quỹ liên quan đến Dragon Capital, đã công bố thông tin về việc đăng ký mua 100 triệu chứng chỉ quỹ từ quỹ VFMVSF từ ngày 4/5 đến 2/6/2021.

Vào ngày 27/4, giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ của VFMVSF là 11.931 đồng. Do đó, ước tính gần 1.200 tỷ đồng sẽ chảy vào thị trường (chủ yếu ở các cổ phiếu nhóm VN30). Ngoài ra, việc dòng tiền tiếp tục vào quỹ ETF VN Diamond trong 4 tháng với tổng giá trị là 111 triệu USD sẽ là tiền đề hỗ trợ nhóm VN30 trong thời gian tới.

VDSC: Thị trường chứng khoán tháng 5 dao động trong khoảng từ 1.240 - 1.370 điểm - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân và khả năng gia tăng nguồn vay ký quỹ trong thời gian tới đến từ việc tăng vốn của các công ty chứng khoán sẽ là động lực thúc đẩy thị trường.

Theo VDSC, quý I/2021, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân tăng mạnh đạt 65% so với cả năm 2020, và con số này sẽ tiếp tục tăng khi lãi suất ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp.

Ngoài ra, việc giá trị giao dịch ký quỹ chỉ chiếm 13% tổng giá trị giao dịch (giảm mạnh từ quý III/2020) cho thấy dòng tiền tươi từ người dân vẫn đóng vai trò chủ đạo và sẽ giúp thị trường đi xa hơn khi không quá phụ thuộc vào vốn vay ký quỹ. Trong quý IV/2020, tỉ lệ ký quỹ/vốn chủ sở hữu đạt đỉnh theo số liệu của FiinPro trong vòng 3 năm.

Thêm vào đó, việc một vài công ty chứng khoán gần đạt đến ngưỡng tối đa của tỷ lệ này (2 lần) đã phần nào giới hạn việc tăng lượng cho vay ký quỹ trên thị trường.

Trong thời gian tới, VDSC đánh giá, đây sẽ không phải là yếu tố quan trọng làm cản trở đà tăng của VN-Index khi nhiều công ty chứng khoán, đặc biệt các công ty lớn (chiếm 37% tổng dư nợ cho vay ký quỹ vào cuối quý IV/2020) đã công bố kế hoạch tăng vốn.

Hồi phục KQKD mạnh mẽ sẽ là bệ phóng tốt cho các doanh nghiệp

Theo Chứng khoán Rồng Việt, xét về yếu tố cơ bản, theo dữ liệu thống kê từ Bloomberg, thị trường đang kì vọng mức tăng trưởng EPS 18% trong năm 2021.

Đồng thời, việc kết quả kinh doanh phục hồi mạnh mẽ trong quý 1/2021 sẽ là bệ phóng tốt giúp cho các doanh nghiệp đạt được mức tăng trưởng hai chữ số trong năm 2021 khi dịch COVID-19 gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng cho tình hình kinh doanh trong năm 2020.

VDSC: Thị trường chứng khoán tháng 5 dao động trong khoảng từ 1.240 - 1.370 điểm - Ảnh 2.

Theo VDSC, một trong những yếu tố xúc tác chính thúc đẩy thị trường, đó là dòng vốn mới đến từ các quỹ ngoại Fubon ETF và quỹ mới liên quan đến Dragon Capital.

Dựa vào phân tích độ nhạy, VDSC điều chỉnh +/-5% mức tăng trưởng EPS theo dữ liệu của Bloomberg cùng với việc sử dụng P/E trung bình trong vòng 3 năm trở lại đây ở mức 15,8 lần và đưa ra kết luận VN-Index có thể dao động trong vùng 1.240 đến 1.370 điểm.

Tuy nhiên, VDSC cũng lưu ý, việc thị trường rơi vào “vùng trũng” thông tin trong tháng 5 là vấn đề cần quan tâm khi kết quả kinh doanh của các cổ phiếu trụ trong VN30 như nhóm Vin và ngân hàng đã được công bố vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

Theo VDSC, tháng 5 sẽ là khoảng thời gian thích hợp để tái cơ cấu danh mục và kiên nhẫn chờ đợi cơ hội để tích lũy, nắm giữ những cổ phiếu được dự báo có thể kéo dài đà tăng trưởng lợi nhuận vượt trội sang các quý tiếp theo của năm 2021 và năm 2022 nếu như có mục tiêu nắm giữ dài hơn.


Q.D
Cùng chuyên mục