Vì sao Cà Mau xin giữ vốn tại công ty cấp nước?

25/11/2019 10:21 GMT+7
UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy tỉnh này xem xét cho giữ lại 71,49% vốn điều lệ tại Công ty CP Cấp nước Cà Mau.

Theo phê duyệt tại Quyết định 1232/QĐ-TTg, ngày 17/8/2017, tỉnh Cà Mau phải bán tối thiểu 35,49% vốn tại Công ty CP Cấp nước Cà Mau và phải thực hiện xong trong năm 2017. Đồng thời tiếp tục bán trong những năm tiếp theo, càng nhiều càng tốt.

Đến năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án thoái vốn tại Công ty CP Cấp nước Cà Mau để tổ chức thoái 35,49% vốn điều lệ theo quy định. Tuy nhiên, khi tổ chức thoái hóa vốn, giá trị cổ phần của Công ty CP Cấp nước Cà Mau không đạt như kỳ vọng. 

Cà Mau lý giải nguyên nhân của việc này: Một là, năm 2017 công nhân khiếu kiện nhiều khi bị cho nghỉ dôi dư, tinh gọn bộ máy. Hai là, khi đưa ra sàn bán vốn thì không đạt giá kỳ vọng, nếu bán sẽ thất thu ngân sách, theo đó chỉ thoái thành công 15% vốn điều lệ (Nhà nước còn nắm giữ 71,49%).

Còn về nguyên nhân xin không bán vốn thêm, Cà Mau nêu rõ "nhằm quản lý an ninh, an toàn nguồn nước sinh hoạt cho dân và các hoạt động công ích phục vụ nước sinh hoạt cho nông thôn".

Tương tự, lĩnh vực cấp nước tập trung nông thôn và chống chịu với ảnh hưởng của xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu thì nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc là cần thiết. Nhưng lĩnh vực này, là lĩnh vực công ích, không có lợi nhuận nên không có nhà đầu tư tư nhân tham gia. Vì vậy, rất cần nhà nước tham gia điều tiết, xử lý nước, phục vụ nhu cầu nước sạch cho người dân.

Từ đó, UBND tỉnh Cà Mau báo cáo đến Thường trực Tỉnh ủy xem xét, cho phép giữ lại 71,49% vốn điều lệ tại Công ty CP cấp nước Cà Mau.

Theo báo cáo tài chính quý III/2019 của Công ty CP Cấp nước Cà Mau, lợi nhuận sau thuế tính đến quý III/2019 là gần 3,14 tỷ đồng, tăng 1,8 tỷ đồng so với lợi nhuận sau thuế cùng kỳ năm 2018.

Lý do doanh thu quý III/2019 của công ty tăng được lý giải là do đơn vị đầu tư phát triển mạng từ các giai đoạn trước nay đã tạo ra doanh thu cho toàn công ty, đồng thời doanh thu ở đơn vị trực thuộc là chi nhánh U Minh tăng so với cùng kỳ từ đó làm cho lợi nhuận sau thuế quý III/2019 thay đổi từ 10% trở lên so với quý III/2018.

Sau khi sự cố nhiễm dầu thải nước sông Đà xảy ra, vấn đề an ninh nguồn nước được đưa ra bàn luận trên nghị trường. Và câu hỏi đặt ra là, có nên cổ phần hóa hoàn toàn các công ty nước sạch?

 Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), nước sạch là vấn đề an ninh quan trọng còn hơn cả an ninh lương thực. Song gần đây, có tình trạng thoái vốn đến 100% ở các công ty cung cấp nước sạch, gây nhiều lo lắng, nguy cơ về an ninh nguồn nước.

"Vừa qua, dư luận phản ánh việc tỷ phú Thái Lan đã mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch sông Đuống. Trước tình hình cung cấp nước sạch ở Hà Nội như vừa rồi, chúng ta phải xem xét lại chủ trương này. Tôi rất khẩn thiết đề nghị xem xét lại không nên thoái vốn hoặc Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối tại các đơn vị này", ông Nghĩa nêu vấn đề.

Trong khi đó, Tại buổi tọa đàm "An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý'' được tổ chức mới đây, luật sư Trương Xuân Hải - Giám đốc Công ty Luật Gia Bảo (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc thoái hóa vốn, cổ phần hóa tại các công ty nước là cần thiết để cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và để bổ sung nguồn thu cho ngân sách.

Tuy nhiên, khi cổ phần hóa, thoái hóa hoàn toàn, doanh nghiệp sẽ chỉ chú trọng kinh doanh, mà cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí dẫn đến an ninh nguồn nước gặp nhiều rủi ro. "Do đó, theo tôi, khi cổ phần hóa Nhà nước cần giữ vai trò chi phối trong hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp công ích phải lấy việc phục vụ người dân là chính, chú trọng hàng đầu đến chất lượng".

Ong Lý
Cùng chuyên mục