Vì sao gửi tiết kiệm không nên chỉ nhìn vào lãi suất
Trước hết, cần hiểu rằng lãi suất cho cùng một khoản tiết kiệm sẽ có sự khác biệt lớn giữa các ngân hàng trên hệ thống. Ví dụ, một món tiền gửi kỳ hạn 6 tháng lĩnh lãi cuối kỳ, mức lãi suất nhận được ở các ngân hàng sẽ từ 4,9% đến hơn 8%, hoặc lãi suất cho khoản tiết kiệm một năm dao động 6,5-8,6% một năm tùy từng thời điểm.
Một số nhà băng chào mời khách hàng với lãi suất rất cao, cách biệt lớn với mặt bằng trên thị trường. Theo kinh nghiệm nhiều năm kiểm toán ngân hàng của bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam, đó thường là những nhà băng có vấn đề về thanh khoản, tức là khả năng đáp ứng tức thời nhu cầu rút tiền gửi và giải ngân tín dụng. Họ hy sinh lợi nhuận từ tiền gửi và thường sẽ tìm cách thu phí ở các dịch vụ khác.
Trưởng bộ phận khách hàng cá nhân tại một ngân hàng chia sẻ, lãi suất là một trong những yếu tố hàng đầu mà khách hàng quan tâm khi gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, không phải lãi suất cao thì đó là khoản tiền gửi hấp dẫn.
"Đối với một số khách hàng, họ không coi lãi suất là ưu tiên hàng đầu. Những vấn đề khác mà họ quan tâm trước hết là uy tín ngân hàng đi kèm với chất lượng dịch vụ", người này chia sẻ.
Ở Việt Nam, rất khó để người gửi tiền có thể so sánh uy tín giữa các nhà băng vì họ không tiếp cận được với kết quả xếp hạng tín nhiệm do Ngân hàng Nhà nước đánh giá, do xếp hạng này nhằm phục vụ cho công tác điều hành. Ngoài ra, một số nhà băng lớn ở Việt Nam cũng được công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín như Moody’s, Fitch, S&P đánh giá, nhưng kết quả này cũng không phản ánh đầy đủ hết các ngân hàng.
Theo nhận định của chuyên gia Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện kinh tế - tài chính (Học viện tài chính), 4 ngân hàng có vốn nhà nước là những đơn vị có độ uy tín cao nhất bởi họ có sự bảo vệ nhất định từ phía nhà nước. Họ có quy mô và thị phần lớn vì vậy có sức ảnh hưởng tới sức khỏe của toàn bộ hệ thống ngân hàng,
Bên cạnh đó, việc tuân thủ ba trụ cột của Basel II cũng là tiêu chí đánh giá năng lực hoạt động và khả năng giảm thiểu rủi ro của ngân hàng. Tính đến nay, 18 ngân hàng tại Việt Nam đã được cấp phép để áp dụng Basel II, đồng nghĩa với việc đảm bảo được nguồn vốn tự có, sử dụng nguồn vốn một cách lành mạnh và có khả năng chống chịu với rủi ro cao hơn.
Ngoài ra, theo lời khuyên của người lâu năm trong ngành, một trong những tiêu chí mà ngay chính khách hàng có thể tự bản thân đánh giá trực quan mức độ uy tín đó là quy trình làm việc của nhà băng. Khách hàng có thể quan sát từ lúc đón tiếp cho đến khi hoàn tất việc mở một sản phẩm để đưa ra đánh giá. Gửi tiền tại một nhà băng có quy trình làm việc rành mạch, cẩn thận sẽ giúp người dân an tâm về các vấn đề bảo mật thông tin, an toàn đối với khoản tiền gửi.
Nhiều ngân hàng có quy trình chặt chẽ nhưng việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến nhân viên không tuân thủ và quy trình thực tế được lược giản. Điều này có thể tiện lợi cho khách hàng trong một vài trường hợp, nhưng đó cũng là lỗ hổng dẫn đến những rủi ro về an toàn tiền gửi của khách. Đó là một trong những yếu tố mà khách hàng nên cân nhắc.
Mỗi khách hàng có một khẩu vị khác nhau. Và để có lựa chọn phù hợp nhất, khách hàng cần cân nhắc những yếu tố then chốt như lãi suất đi kèm rủi ro, mức độ uy tín cũng như chất lượng dịch vụ của đơn vị "chọn mặt gửi tiền".