Vì sao ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận “giật lùi” cho năm 2019?
Nếu như hai năm gần đây, tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng luôn là đề tài nóng của thị trường thì năm nay "sức nóng" đã giảm xuống khi con số này đã có phần dè dặt hơn. Mặt bằng chung các ngân hàng công bố kế hoạch lợi nhuận theo tài liệu phiên họp thường niên năm 2019, đều thấp hơn khá nhiều so với kết quả tăng trưởng của năm trước.
Ngoại trừ VietinBank và Eximbank là hai trường hợp đặc biệt do lợi nhuận năm 2018 giảm so với năm trước, hầu hết các ngân hàng đều đặt mục tiêu lợi nhuận chỉ bằng một phần so với mức đạt được năm 2018.
Vietcombank, ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống, ghi nhận mức tăng trưởng lãi trước thuế 63,5% trong năm 2018. Tuy nhiên năm 2019, kế hoạch lợi nhuận của nhà băng này chỉ 12%, mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.000 tỷ đồng. Đứng sau Vietcombank, Techcombank năm trước tăng trưởng gần 33% thì năm nay cũng chỉ kỳ vọng lợi nhuận tăng 10%.
Hai nhà băng đứng trong Top 5 thị trường là VPBank và MB cũng không nằm ngoài xu hướng này khi mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận chỉ đạt lần lượt 3,3% và 27%, trong khi cùng kỳ năm trước hai nhà băng này đạt được con số lần lượt 13% và 68,3%.
Ở nhóm giữa của bảng xếp hạng, HDBank, VIB hay TPBank cũng đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay chưa tới một nửa so với mức tăng thực tế năm 2018.
VIB, ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận năm 2018 gần gấp đôi 2017, chỉ kỳ vọng tăng 24% trong năm 2019. Trong khi đó, HDBank và TPBank đặt mục tiêu tăng 27% và 42% lợi nhuận trong năm nay, dù năm trước cả hai đều tăng lãi trên 65%.
Cuối năm ngoái, chia sẻ với PV về câu chuyện lợi nhuận ngành ngân hàng, CEO một nhà băng nước ngoài cho rằng lợi nhuận của các "doanh nghiệp buôn tiền" có thể đã đạt đỉnh vào năm 2018 và khó duy trì được con số tăng trưởng cao như hai năm gần đây trong giai đoạn sắp tới. Hai lý do được CEO này nhắc đến là việc siết chặt tăng trưởng tín dụng của cơ quan điều hành và sức ép Basell II sẽ ảnh hưởng tới chiến lược kinh doanh của các ngân hàng.
Trong cuộc họp báo quý I/2019, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng trong năm nay của hệ thống chỉ trong ngưỡng 14%, con số này tương đương với năm 2018 và thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Một số nhà băng từ cuối năm trước, đã chịu ảnh hưởng từ chính sách điều hành theo xu hướng siết chặt tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước. LienVietPostBank là một ví dụ khi chỉ còn ba tháng kết thúc năm 2018, ngân hàng này phải điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận 33% do không thể xin thêm "room" tăng trưởng. Một số ngân hàng khác phải đẩy mạnh các khoản thu ngoài lãi, chủ yếu là phí và bán chéo bảo hiểm, để bù đắp cho việc thiếu hụt từ "nồi cơm chính".
Chia sẻ với PV về kế hoạch lợi nhuận năm 2019, đại diện VPBank cho biết mục tiêu năm nay chỉ tăng hơn 3% so với năm trước do hai nguyên nhân chính là việc điều hành tăng trưởng tín dụng của cơ quan điều hành theo hướng siết chặt và thay đổi trong định hướng hoạt động.
"VPBank năm nay sẽ xử lý hết các khoản nợ đã bán cho VAMC, việc này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận cả năm, nhưng thể hiện sự chú trọng vào chất lượng và cân bằng giữa lợi nhuận và an toàn", đại diện VPBank cho biết.
Với hai trường hợp đặc biệt là VietinBank và Eximbank, con số lợi nhuận mục tiêu năm nay vượt xa so với tăng trưởng năm trước. Tuy nhiên, nguyên nhân chính do cả hai nhà băng này đều báo lãi giảm trong năm 2018.
Lợi nhuận VietinBank kỳ vọng tăng 41% trong năm 2019, đạt mức 9.500 tỷ đồng. Tăng mạnh so với 2018 nhưng nếu đặt trong khung thời gian 3 năm gần đây, VietinBank chỉ tăng hơn 3% so với kết quả từ năm 2017.
Năm 2018, lợi nhuận của ngân hàng này giảm 27%, chủ yếu do quý cuối năm báo lỗ trước thuế hơn 850 tỷ đồng. Khó khăn của VietinBank xuất phát từ việc bị hạn chế tăng trưởng tín dụng và gia tăng trích lập dự phòng theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Riêng trong quý IV/2018, dư nợ tín dụng của nhà băng này giảm 26.000 tỷ đồng, kéo tăng trưởng tín dụng đến cuối năm chỉ còn 6,1%. Năm 2019, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của VietinBank cũng chỉ ở ngưỡng 6-8% do bài toán tăng vốn chưa tìm được lời giải thỏa đáng.
Với Eximbank, những rủi ro trong hoạt động liên quan đến những vụ mất tiền trong năm trước khiến lợi nhuận nhà băng này sụt giảm mạnh. Theo tài liệu phiên hợp thường niên 2019, năm vừa qua được lãnh đạo Eximbank đánh giá là "đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử phát triển". Kế hoạch lãi năm nay tăng 30%, nhưng nếu so với năm 2017, lợi nhuận Eximbank tăng chưa tới 6%.