Vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng đột biến
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, vốn đăng ký cấp mới từ Trung Quốc trong 11 tháng đạt hơn 2,28 tỷ USD. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức trung bình ba năm gần nhất và đưa Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai, chỉ sau Hàn Quốc, về vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Quy mô này không chỉ tăng cao đột biến so với cùng kỳ, mà còn đi ngược với diễn biến chung. Trong 11 tháng, vốn FDI cấp mới chỉ đạt gần 14,7 tỷ USD, giảm 7% so với năm 2018 và chỉ tương đương 74% của năm 2017. Theo giới phân tích, một phần nguyên nhân đến từ sự dịch chuyển dòng vốn do thương chiến, nhưng lý do khác còn là sự thay đổi về chính sách môi trường của Trung Quốc.
Làn sóng dịch chuyển đầu tư xuất hiện trong các báo cáo đánh giá về Việt Nam từ cuối năm trước, khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang. Các biện pháp đáp trả thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo áp lực lên những doanh nghiệp đầu tư tại Trung Quốc.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm đầu Đông Nam Á, lạm phát duy trì ở mức thấp, tiền đồng mất giá không quá 2%, Việt Nam được kỳ vọng là điểm đến tiếp theo của dòng vốn đầu tư, từ những doanh nghiệp đa quốc gia cho tới những nhà máy sản xuất. Sự gia tăng của dòng vốn FDI đăng ký mới từ Trung Quốc phần nào đã xác nhận xu hướng này.
Tổng giá trị FDI còn hiệu lực của Hàn Quốc và Nhật Bản tính đến cuối tháng 10 là 66 tỷ USD và 59 tỷ USD, bỏ xa Hong Kong (22,3 tỷ USD) và Trung Quốc (15,8 tỷ USD). Tuy vậy, vốn đầu tư từ Trung Quốc và Hong Kong lại đang tăng nhanh. Tăng trưởng giá trị FDI còn hiệu lực tính đến cuối tháng 10/2019 của Hàn Quốc và Nhật Bản là 6,5% và 3,3%, trong khi đó tăng trưởng của Trung Quốc và Hong Kong là 18,5% và 12,7%.
Tuy nhiên, trong báo cáo đầu tháng 11, bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, vốn FDI đăng ký mới từ Trung Quốc tăng cao không hẳn chỉ vì thương chiến.
"Khoảng thời gian chưa đến 10 tháng kể từ khi nổ ra thương chiến (tháng 6/2018) là rất ngắn để hiện thực hóa quyết định dịch chuyển đầu tư do áp lực tăng thuế của Mỹ", báo cáo của SSI viết.
Trong khi đó, các quy định ngày một khắt khe về môi trường, theo SSI Research, đã và đang tác động đến việc dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam. "Một số dự án lớn được cấp giấy phép đầu tư trong 4 tháng đầu năm như Hoá chất dệt nhuộm Huanyu (60 triệu USD, cấp phép tháng 1), Lốp Advance (214 triệu USD, tháng 2), Lốp xe Radian toàn thép ACTR (280 triệu USD, tháng 4) đều là các nhà máy có khả năng ô nhiễm cao", báo cáo viết.