Vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD

29/07/2019 16:31 GMT+7
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) vào Việt Nam thực hiện 7 tháng ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng đầu năm 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút 2.064 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8.272,4 triệu USD, tăng 24,6% về số dự án và giảm 37,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tính từ đầu năm đến 20/7/2019 (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Trong 7 tháng còn có 4.387 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 8,52 tỷ USD, tăng 77,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 733 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 5,70 tỷ USD và 3.654 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,82 tỷ USD.

Trong số các nhà đầu tư nước ngoài có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.785,6 triệu USD, chiếm 21,6% tổng số vốn đăng ký cấp mới. Tiếp sau đó là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc với 1.473,4 triệu USD, chiếm 17,8%; Nhật Bản 1.123,7 triệu USD, chiếm 13,6%; Đặc khu Hành chính Hồng Kông (TQ) 991,6 triệu USD, chiếm 12%; Singapore 942,9 triệu USD, chiếm 11,4%; Đài Loan 359,1 triệu USD, chiếm 4,34%; Thái Lan 354,8 triệu USD, chiếm 4,29%; Quần đảo Vigin thuộc Anh 325,6 triệu USD, chiếm 3,9%.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong 7 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6.059 triệu USD, chiếm 73,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiệp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 7 tháng đạt 9.079,3 triệu USD, chiếm 77,6% tổng vốn đăng ký. Các ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 716,1 triệu USD, chiếm 6,1%; các ngành còn lại đạt 1.902,6 triệu USD, chiếm 16,3%.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5.364,9 triệu USD, chiếm 63,2% tổng giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 754,8 triệu USD, chiếm 8,9%; các ngành còn lại đạt 2.381,1 triệu USD, chiếm 27,9%.

Số liệu cũng chỉ ra rằng, Bình Dương là tỉnh có số vốn đăng ký dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới lớn nhất với 766,2 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đăng ký cấp mới. Theo sau là các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh 688,7 triệu USD, chiếm 8,3%; Tây Ninh 599,4 triệu USD, chiếm 7,25%; Bắc Ninh 597,6 triệu USD, chiếm 7,22%; Đồng Nai 541,9 triệu USD, chiếm 6,6%; Hải Phòng 412,4 triệu USD, chiếm 5%; Bắc Giang 400,1 triệu USD, chiếm 4,8%; Tiền Giang 346,9 triệu USD, chiếm 4,2%; Hải Dương 341,2 triệu USD, chiếm 4,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu 332,6 triệu USD, chiếm 4%; Đà Nẵng 316,7 triệu USD, chiếm 3,8%; Hà Nội 269 triệu USD, chiếm 3,3%.

Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm nay có 90 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 180,1 triệu USD; 21 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 97,3 triệu USD.

Trong đó có 30 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2019, Tây Ban Nha là nước dẫn đầu nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất với 59,8 triệu USD, chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp sau đó là các nước: Hoa Kỳ với 45,7 triệu USD, chiếm 16,5%; Australia 45,4 triệu USD, chiếm 16,4%; Campuchia 38,5 triệu USD, chiếm 13,9% và Singapore 34,8 triệu USD, chiếm 12,5%. 

Thu Trà
Cùng chuyên mục