Vốn ưu đãi “chắp cánh” nông dân làm giàu
Hộ nghèo có vốn làm ăn, phát triển kinh tế
Anh Thành cho biết: Trước đây, gia đình anh nuôi lợn nhưng đúng lúc giá lợn hơi xuống thấp, thu không bù đủ chi nên anh quyết định dừng lại để tìm hướng đầu tư mới. Đầu năm 2018, thông qua Đoàn Thanh niên, anh Thành làm thủ tục vay vốn NHCSXH huyện 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi để nuôi chim bồ câu. Nhờ xây dựng khu chăn nuôi khép kín, áp dụng đúng quy trình chăm sóc, phòng bệnh, sử dụng thức ăn chủ yếu là đậu tương, ngô, mạch nên đàn chim sinh trưởng tốt. Cứ sau khoảng 35 - 40 ngày được xuất bán một lứa, sản phẩm không đủ cung cấp cho các đại lý thu mua.
"So với các con vật khác, nuôi chim bồ câu không mất quá nhiều công sức và vốn. Thêm nữa, qua kinh nghiệm học hỏi được từ sách báo, anh em bạn bè, tôi thường xuyên theo dõi, cho uống thuốc phòng bệnh kịp thời nên đàn chim khỏe mạnh", anh Thành bộc bạch.
Trước đây, gia đình ông Chu Xuân Tuyên, dân tộc Tày, ở thôn Đồng Chu, xã Yên Định, huyện Sơn Động chăn nuôi ong nhỏ lẻ, không có điều kiện nâng số lượng đàn. Thế nhưng, năm 2018, ông Tuyên được vay vốn NHCSXH và vốn Chương trình 30a, ông mở rộng sản xuất lên hơn 200 đàn ong. Ngay khi năm đầu tiên phát triển đàn ong, ông thu được 200 lít mật. Năm 2019 đàn ong đã mang lại cho gia đình ông hơn 300 lít mật.
Ông Tuyên phấn khởi cho biết: Với giá bán 150.000 đồng/lít, nuôi ong vốn ít, lãi nhiều, tận dụng thế mạnh của miền núi, vùng cao có diện tích rừng lớn nên nghề này rất phù hợp với những hộ nghèo. Bên cạnh đó, sản phẩm mật ong của ông được thương lái đến tận nhà thu mua nên thu nhập từ mật ong tăng lên đáng kể.
Tại xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn có 100% số dân là đồng bào DTTS. Nhờ hơn 30 tỷ đồng vốn NHCSXH sau 5 năm đã giảm số hộ nghèo từ 78,7% (năm 2014), xuống còn 37,8% (cuối năm 2019), nhiều hộ có thu nhâp khoảng 100 triệu đồng/năm. Điển hình như gia đình ông bà Quốc Việt (thôn Đồng Răng) đã sử dụng 85 triệu đồng vay từ 2 chương trình tín dụng hộ nghèo, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đã trồng rừng nguyên liệu, nuôi bò thương phẩm, thu nhập ổn định đạt 300 triệu đồng/năm, đạt danh hiệu thi đua nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.
Nâng cao chất lượng tín dụng
Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Giang Ngô Gia Quát cho biết: Bắc Giang là tỉnh miền núi những có cả vùng trung du, đồng bằng xen kẽ, với 9 huyện và 1 thành phố. Trong đó, có 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao, huyện nghèo 30a, có 209 xã, phường thị trấn, trong đó có 90 xã thuộc vùng khó khăn.
Giai đoạn 2015-2020, NHCSXH tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt các nội dung ủy thác, cùng trách nhiệm triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng trên địa bàn. Đến nay, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác đang quản lý 3.173 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 110.601 hộ còn dư nợ, dư nợ uỷ thác đạt 4.549 tỷ đồng với 19 chương tín dụng chính sách xã hội, đến 100% các xã, phường, thị trấn.
Doanh số cho vay ủy thác 5 năm qua đạt 6.610 tỷ đồng với 192.514 lượt khách hàng được vay vốn, mức bình quân 34,3 triệu đồng/hộ; tập trung vào một số chương trình cho vay như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Cùng với việc tập trung thực hiện tăng trưởng tín dụng, NHCSXH tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tích cực thực hiện các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng. Nợ quá hạn đến 31/8/2020 là 2,5 tỷ đồng, chiếm 0,06% tổng dư nợ (giảm hơn 3 tỷ đồng so với năm 2014).
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tập huấn chuyển giao KHKT chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm SXKD đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách; góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.