Vụ chuyển nhượng 43 ha đất công ở Bình Dương: Xử lý nghiêm, không bao che
Sáng 4/10 Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương đã tổ chức buổi họp báo để công bố thông tin ban đầu liên quan đến dự án Khu đô thị Tân Phú (phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Động thái này được thực hiện ngay sau khi báo Tiền Phong có bài viết phản ánh với tiêu đề “Bình Dương: Chuyển nhượng 43 ha đất công: Có dấu hiệu thất thoát hàng nghìn tỷ đồng”.
Nội dung phản ánh việc chuyển nhượng 43ha đất là tài sản Nhà nước quản lý sai quy định, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, vụ chuyển nhượng này không qua đấu giá mà doanh nghiệp tự định giá với giá thấp đến hàng chục lần so với thực tế.
Chủ trì buổi họp báo có ông Lê Hữu Phước – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương; ông Bùi Minh Thạnh – Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương (người đại diện cho cơ quan chủ quản của Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương).
Tại đây, ông Bùi Minh Thạnh khẳng định vào thời điểm Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt là Công ty TCT Bình Dương) thực hiện việc góp vốn và sau đó chuyển nhượng vốn cho các doanh nghiệp khác đều đi sai với chủ trương của đơn vị chủ quản mà cụ thể là Tỉnh ủy Bình Dương.
“TCT Bình Dương xin chủ trương góp vốn và chuyển nhượng vốn, Tỉnh ủy thống nhất nhưng chỉ cho phép thực hiện bằng tiền mặt chứ không cho phép góp vốn bằng tài sản đất. Do đó, việc TCT Bình Dương tự ý dùng tài sản đất để góp vốn là sai chủ trương. Từ đó, Tỉnh ủy Bình Dương nhất quán ngay từ đầu và cho đến nay không chấp thuận hành động của TCT Bình Dương”, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương nói và cho biết thêm, Tỉnh ủy Bình Dương đã thu hồi quyết định chủ trương cho góp vốn vì phát hiện TCT Bình Dương góp vốn bằng tài sản đất, trái với chủ trương.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Phước – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh thêm, về quan điểm của lãnh đạo tỉnh là xử lý vụ việc khách quan, minh bạch. “Tôi khẳng định tỉnh sẻ xử lý đúng quy định pháp luật, không bao che sai phạm. Hiện, Thanh tra tỉnh đã vào cuộc, sau khi có kết luận sẽ đưa ra hướng xử lý và thông tin cho báo chí. Sai phạm tới đâu xử lý tới đó”, ông Phước khẳng định.
Trước đó như báo Tiền Phong đã phản ánh, vào ngày 7/3/2017, Công ty Âu Lạc đã có văn bản số 21/AL/2017 đề nghị TCT Bình Dương xem xét chuyển nhượng lại toàn bộ phần vốn góp 30% tại Công ty Tân Phú cho Âu Lạc với lý do là để chủ động thực hiện dự án.
Sau đó, TCT Bình Dương kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương thống nhất chủ trương cho phép chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Sau đó, ngày 20/4/2017 Tỉnh ủy Bình Dương đã có thông báo số 287-TB/TU về kết luận và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương cho TCT Bình Dương được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.
Đến ngày 2/8/2017, TCT Bình Dương và Công ty Âu Lạc đã ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp 30% tại Công ty Tân Phú với giá 161,1 tỷ đồng. Ngay sau khi nhận được chuyển nhượng 30% cổ phần, Công ty Tân Phú đã được chuyển nhượng lại cho nhiều đối tác khác.
Giá trị thực khu đất lên đến 6.200 tỷ đồng
Theo thỏa thuận liên doanh giữa TCT Bình Dương với Công ty CP Bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc), thành lập ra Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) là để đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư – Thương mại – Dịch vụ quy mô 43 ha (KĐT Tân Phú). Vốn điều lệ công ty là 200 tỷ đồng, trong đó TCT Bình Dương góp 60 tỷ, (chiếm 30%) bằng tiền mặt và Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng (chiếm 70%).
Chiếu theo đó, giá trị quyền sử dụng đất đối với lô đất 43ha vẫn là tài sản doanh nghiệp Nhà nước do TCT Bình Dương quản lý, sử dụng. Vào ngày 30/11/2016, Hội đồng thành viên TCT Bình Dương đã họp bàn việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất diện tích 430.000m2 tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với giá hơn 250,1 tỷ đồng, tương đương với hơn 581.000/m2. Như vậy, TCT Bình Dương đã tự định giá bán 43ha đất công cho Công ty Tân Phú mà không qua bất kỳ định giá hay tổ chức đấu giá.
Căn cứ theo Quyết định số 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của UBND tỉnh Bình Dương ban hành quy định bảng giá các loại đất trên địa bàn thì bảng giá đất ở đô thị tại dự án KĐT Tân Phú, mức giá chuẩn tại vị trí 1 là 24,57 triệu đồng/m2;vị trí 2 là 7,7 triệu đồng/m2; vị trí 3 là 5,64 triệu đồng/m2.
Theo quy hoạch 1/500 thì vị trí 1 của dự án sẽ chiếm khoảng 100.000 m2 đất ở và nếu được áp giá tại quy định của UBND tỉnh Bình Dương thì giá trị của nó là khoảng 2.457 tỷ đồng. Và diện tích đất ở còn lại được nhân với giá trung bình của vị trí 2 và 3 là 6,67 triệu đồng/m2 thì giá trị khoảng 667 tỷ đồng. Tổng hai con số trên thì tại KĐT Tân Phú sẽ là khoảng 3.124 tỷ đồng, gấp gần 12,5 lần so với giá TCT Bình Dương đã bán cho Công ty Tân Phú. Trong khi đó, bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương được áp dụng cho 43 ha thì giá trị sẽ khoảng 6.200 tỷ đồng.
Như vậy, khi áp dụng bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương cho diện tích đất ở theo quy hoạch 1/500 đã được duyệt thì vào thời điểm cuối 2016 ít nhất đã có khoảng 2.874 tỷ đồng bị thất thoát và nếu áp dụng cho cả 43ha thì con số có thất thoát có thể lên đến 5.950 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Tám- Đoàn luật sư TP.HCM cho biết Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì mọi tài sản do doanh nghiệp đứng tên quản lý, sử dụng đều thuộc quyền quyết định, định đoạt của chủ sở hữu là nhà nước, cụ thể là Tỉnh ủy Bình Dương. Do đó khu đất 43ha nêu trên là tài sản của Nhà nước trong doanh nghiệp, mà không phụ thuộc nó được hình thành từ vốn tự có hay vốn huy động.