"Xù" hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia: Do độc quyền?
Doanh nghiệp "xù" thầu nói gì?
Trả lời về vấn đề này, ông Đỗ Việt Đức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, đơn vị này sẽ báo cáo cấp trên về việc hủy đợt thầu vừa diễn ra, đồng thời sẽ tiến hành đợt thầu mới ở 22 cục Dự trữ trên cả nước.
Theo ông Đức, khi không đủ số lượng cung ứng gạo thì chắc chắn phải đấu thầu lại. Sự việc xảy ra không ai mong muốn và không có cách nào khác.
Về vấn đề doanh nghiệp bỏ hợp đồng khi đã trúng thầu, ông Đức cho rằng các doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Đấu thầu.
Trên báo Lao Động, ông Đức nói: "Việc không ký hợp đồng có thể do nhiều nguyên nhân. Chúng ta phải có đánh giá cụ thể mới rõ được. Tuy nhiên về giá cả, khi mời thầu, "giá được" thì doanh nghiệp mới trúng. Nhưng khi mở thì giá thị trường tăng, và họ không mua được nên không cung cấp được cho phía Tổng cục Dự trữ Nhà nước".
Trên tờ Người Lao động, Công ty Cổ phần Thương mại Minh Khai (gọi tắt là Công ty Minh Khai), một trong những doanh nghiệp đã "xù" nhiều hợp đồng cấp gạo dự trữ quốc gia cho biết, mới đây nhất vào ngày 14/4, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc thông báo hủy kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó có gói thầu 1.200 tấn của Công ty Minh Khai, số gạo này theo kế hoạch nếu được ký hợp đồng, sẽ nhập kho tại Chi cục Dự trữ Nhà nước Sơn La.
Bà Nguyễn Bích Hoà, Tổng giám đốc Công ty Minh Khai, cho biết khi thực hiện đấu thầu cấp gạo dự trữ quốc gia thì giá chưa lên, dịch Covid-19 cũng chưa có diễn biến mới.
"Buổi sáng doanh nghiệp đấu thầu thì đến buổi tối, đại diện Tổ chức Y tế thế giới công bố đại dịch toàn cầu, thông báo xong thì giá gạo tăng. Cùng thời điểm đó thì giá gạo xuất khẩu cũng tăng nên người đấu thầu cũng "chết" vì đấu thầu, không mua được hàng" - bà Hòa cho hay.
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp, có nhiều yếu tố khách quan khác như hạn hán, xâm nhập mặn, nhưng nguyên nhân lớn nhất là do diễn biến của dịch bệnh nên không mua được hàng để cung cấp gạo dự trữ quốc gia theo kết quả đấu thầu.
Bà Nguyễn Bích Hòa cho rằng cần phải điều chỉnh giá thì doanh nghiệp mới mua được hàng, giá thấp quá bà con không bán, hơn nữa doanh nghiệp phải thu mua từ rất nhiều nơi.
Công ty Minh Khai còn tham gia đấu thầu cấp gạo dự trữ cho Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hải Hưng, tuy nhiên sau khi trúng thầu, doanh nghiệp này đã từ chối ký hợp đồng. Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hà Bắc cũng bị doanh nghiệp này "xù" 1 gói thầu.
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Thái cũng đã thông báo hủy 2 gói thầu với tổng số lượng 2.300 tấn gạo do Công ty Minh Khai từ chối ký hợp đồng.
Do hàng loạt doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia, đến nay Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết mới mua được 7.700 tấn gạo, trên tổng số 190.000 tấn phải mua theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Hiện, Tổng cục đang trình Bộ Tài chính kế hoạch để tổ chức đấu thầu lại.
Do độc quyền?
Được biết, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và nhiều doanh nghiệp thành viên là những đơn vị trúng thầu.
Trên tờ Đất Việt cho hay, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, thực tế trên thương trường, có những doanh nghiệp ký hợp đồng xong rồi còn bỏ ngang, không thực hiện hợp đồng, huống chi ở đây doanh nghiệp mới trúng thầu, cùng lắm có biên bản ghi nhớ giữa hai bên thì không đủ cơ sở pháp lý để xử.
"DNNN cũng là doanh nghiệp, họ phải tính thiệt hơn, lời lỗ. Hiện nay giá gạo trên thị trường lên cao, có những công ty đã ký hợp đồng rồi, để giữ uy tín với nhau họ chấp nhận thua lỗ và phải giao hàng. Ngược lại, có những công ty tính toán thật chi ly, chấp nhận mất uy tín, không giao hàng vì không muốn chịu lỗ khi trúng thầu hay khi ký giá 10 đồng, đến khi thu mua thì thị trường lại tăng lên 12 đồng" đại biểu Hòa nói.
Theo vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bản thân các doanh nghiệp "xù" không cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia chẳng hề hấn gì, trước hết vì chưa ký hợp đồng, thứ hai vì họ đều có "dây mơ rễ má" với các tổng công ty lương thực.
"Bao nhiêu năm Vinafood 1, Vinafood 2 (Tổng Công ty Lương thực miền Nam) nắm vị thế gần như độc quyền trong xuất khẩu và cung cấp gạo dự trữ. Tất nhiên cũng có doanh nghiệp không phải thông qua các tổng công ty này mới thực hiện được, nhưng số đó không nhiều. Bởi vậy, đa số doanh nghiệp đều phải phụ thuộc vào hai tổng công ty này.
Trong trường hợp này rất khó xử, chỉ có Nhà nước là phải chịu thiệt mua gạo giá cao lên, bởi bằng mọi giá phải mua đủ gạo dự trữ, đảm bảo an ninh lương thực.
Ngay cả khi đây đã là hợp đồng kinh tế, về lý có thể đem ra trọng tài kinh tế xét xử, nhưng với thực tế bao năm chưa thấy ai "thưa" tổng công ty lương thực ra tòa kinh tế, tôi nghĩ các bên sẽ lại bàn thảo, dĩ hòa vi quý với nhau để làm ăn lâu dài", đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích.
Theo vị đại biểu, doanh nghiệp đã để mất uy tín, trúng thầu hay ký hợp đồng mà không cung cấp hàng thì không có lý gì lại cho phép họ dự thầu hay làm ăn với những doanh nghiệp này vào lần sau. Thế nhưng, thực tế quyền vẫn ở trong tay tổng công ty lương thực, cho ai tham gia là việc của họ. Chưa kể, lâu nay tình trạng doanh nghiệp mất uy tín, thiếu nợ ngân hàng, giải thể sau đó lập doanh nghiệp khác, thay tên đổi họ, mang thương hiệu khác nhưng chủ vẫn là một người không phải là ít.
"Công ty chấp nhận giải thể, thành lập doanh nghiệp mới đâu có mất mát gì, chỉ có Nhà nước để có gạo dự trữ thì phải lên giá để mua cho được", ông nói.
Nhắc lại đề xuất giải tán hai tổng công ty lương thực của một số chuyên gia nông nghiệp nói nhiều năm qua, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng điều này rất khó, bởi đây là hai doanh nghiệp nhà nước, có liên quan đến an ninh lương thực quốc gia.
"Không thể phủ nhận thực tế đi đến đâu cũng thấy công ty con của hai tổng công ty lương thực, các doanh nghiệp khác muốn làm ăn hầu như đều phải ký hợp tác với các tổng công ty này.
Dĩ nhiên, cũng có những doanh nghiệp được phép xuất khẩu trực tiếp, không phải qua công ty mẹ- công ty con, hay Vinafood 1, Vinafood 2 mới xuất khẩu được nhưng phải có điều kiện và đáp ứng được điều kiện này mới là khó. Theo quy định, doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo phải có kho dự trữ, diện tích đất sản xuất... nhất định. Khi doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện trên thì bị lệ thuộc vào Vinafood 1, Vinafood 2 là điều dễ hiểu.
Trong khi không thể giải tán Vinafood 1, Vinafood 2 thì Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan cần xem lại để hai tổng công ty này không còn độc quyền nữa. Chúng ta giảm bớt các điều kiện để doanh nghiệp không còn phụ thuộc vào hai tổng công ty, đồng thời vẫn đảm bảo được an ninh lương thực", đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị.