Xuất khẩu gạo gặp khó: Tìm một hướng đi bền vững

03/07/2019 13:33 GMT+7
6 tháng vừa qua tình hình xuất khẩu gạo của nước ta liên tiếp gặp nhiều khó khăn và bất lợi. Đặc biệt là thị trường lớn như Trung Quốc giảm nhu cầu nhập khẩu khiến cho sản lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kì năm ngoái

Thị trường gạo ảm đạm

Trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các quốc gia đang ngày càng khốc liệt, nguồn cung lúa gạo trên thế giới được dự báo là sẽ tăng do sản lượng của các nước sản xuất lớn tăng như: Ấn Độ tăng 2,87 triệu tấn, Thái Lan tăng 138 ngàn tấn, Campuchia tăng 79 ngàn tấn. Thêm vào đó là sức ép lớn về giá cả của gạo Thái Lan khiến ngành gạo của nước ta dường như hoàn toàn "lép vế" trên thị trường.

Các nước tăng mạnh sản lượng xuất khẩu gạo khiến cho thị trường Việt Nam có phần "ảm đạm"

Theo số liệu ước tính, sản lượng gạo xuất khẩu sang 3 nước Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh trong 5 tháng đầu năm 2019 giảm tới 85% so với 2018. Tuy nhiên đây là thực tế không chỉ ở riêng Việt Nam. Do 3 nước này giảm mạnh nhập khẩu gạo nên 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan đều rơi vào cảnh "lao đao".

Điều đáng nói ở đây là nhiều nước tiêu dùng và nhập khẩu đang thay đổi mạnh mẽ các chính sách liên quan, cho phép nhiều đơn vị cùng tham gia thầu, đổi mới thuế lương thực, thu hút nhiều nguồn cung mới. Các động thái trên đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua. Việc xuất khẩu của các nước sản xuất lúa gạo như Việt Nam rơi vào thế muôn vàn khó khăn.

Tìm kiếm thị trường mới và lập chuỗi liên kết bền vững là yếu tố sống còn

Trước thực trạng Trung Quốc ngày càng thắt chặt việc nhập khẩu nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng, việc tìm kiếm những thị trường mới là một trong những yếu tố sống còn cho toàn ngành nông nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2019, mặc dù xuất khẩu gạo nói chung giảm nhưng sản lượng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ và châu Phi ghi nhận những tín hiệu khả quan, tăng bình quân trên 200% so với cùng kì 2018. Đây được xem là những tín hiệu khả quan khi gạo Việt đã đi xa và tìm kiếm những thị trường tiềm năng hơn, không còn quá dựa dẫm vào bạn hàng Trung Quốc.

Lâu nay người ta vẫn nói về mối quan hệ giữa nông dân - doanh nghiệp, cũng như sản xuất - tiêu thụ. Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) cho rằng, cách duy nhất để khắc phục “điểm đen” của ngành lúa gạo hiện nay là thực hiện mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân. Vì nếu nông dân không sản xuất theo tín hiệu thị trường, doanh nghiệp không đầu tư cho nguồn cung chất lượng cao thì cả hai sẽ còn khó dài dài. 

Chất lượng là quyết định

Có một thực trạng đáng buồn là "Gạo ta có thì không bán được. Còn gạo thì trường cần thì ta cũng không có". Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhận định, gạo không xuất được là do chính chất lượng của hạt gạo chứ không thể đổ lỗi cho hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu hay bất cứ lý do nào khác. Để giải quyết được điều này, về lâu về dài cần có sự liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân. Khi đó nông dân mới sản xuất đúng theo thị hiếu của thị trường và doanh nghiệp có thể dễ dàng bao tiêu sản phẩm. 

Trong bối cảnh các nước đều cố gắng đa phương hóa quan hệ ngoại giao, Việt Nam cần có những chính sách để mở rộng thị trường, tìm kiếm bạn hàng mới thay thế Trung Quốc. Bởi Trung Quốc vẫn luôn là thị trường đầy “khó lường” với chúng ta. Bên cạnh đó, các chính sách về thuế, nâng cao nâng suất và chất lượng trên cơ sở tận dụng những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, khí hậu, đất đai,... vẫn luôn là những yếu tố cần được chú trọng để xây dựng thương hiệu lúa gạo của riêng Việt Nam. Các doanh nghiệp cần ý thức được trách nhiệm của mình mỗi khi đưa hạt gạo Việt Nam ra thị trường quốc tế, bởi đó không chỉ là uy tín doanh nghiệp, mà còn là "hình ảnh cả ngành lúa gạo Việt Nam" (Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương)

Ngày 15 tháng 8 năm 2018, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo được ban hành thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP trước đó đã thể hiện tư duy quản lý mới theo hướng giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho thương nhân, tạo động lực giải phóng mạnh mẽ năng lực kinh doanh thương mại, năng lực thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân. Nghị định số 107/2018/NĐ-CP cũng bổ sung, điều chỉnh nhiều quy định về hợp đồng tập trung, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả các quy định về cơ chế hợp đồng tập trung, thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Mai Trang
Cùng chuyên mục