1 tháng dỡ bỏ lệnh phong tỏa, ngành dịch vụ Trung Quốc vẫn ảm đạm

04/04/2020 15:35 GMT+7
1 tháng sau khi chính phủ Bắc Kinh dỡ bỏ gần hết các lệnh phong tỏa trên cả nước, đường phố Bắc Kinh vẫn chưa khôi phục sự nhộn nhịp vốn có trong khi những quán ăn, nhà hàng gần như vắng tanh.
1 tháng dỡ bỏ lệnh phong tỏa, ngành dịch vụ Trung Quốc vẫn ảm đạm - Ảnh 1.

Hình ảnh Bắc Kinh vắng vẻ sau đại dịch trong tuần này đã phản ánh một thực trạng rằng tác động từ sự bùng phát dịch Covid-19 tới nền kinh tế có thể sâu sắc và kéo dài hơn nhiều những gì chính quyền mong đợi.

Bất chấp chính quyền đã dỡ bỏ phong tỏa thủ đô từ lâu, nhiều nhà hàng, quán cà phê, quán nhậu ở Bắc Kinh vẫn đóng cửa im lìm do lo sợ làn sóng nhiễm bệnh thứ 2, khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại các quốc gia Châu Âu và Mỹ. Một số ít nhà hàng đã mở cửa trở lại, nhưng lượng khách gần như rất ít. 

Phố mua sắm Wangfujing thường đông đúc mọi thời điểm trong năm nay yên tĩnh đến khó tin. Số lượng nhân viên bán hàng thậm chí nhiều hơn số người mua sắm tại cửa hàng của Apple. Tất cả đều đeo khẩu trang.

Một khu phố ẩm thực ở trung tâm Bắc Kinh cũng không tránh khỏi khung cảnh buôn bán ảm đạm. Trong giờ cao điểm buổi trưa, các cửa hàng vẫn rất vắng khách. Thực khách ngồi trên những dãy bàn đặt xa nhau để đảm bảo khoảng cách an toàn, trái ngược hẳn với khung cảnh chen chúc trước khi đại dịch kéo đến. 

Mặc dù Trung Quốc đã thành công kiểm soát dịch Covid-19 trong nước, mối đe dọa từ các trường hợp nhiễm bệnh nhập cảnh từ nước ngoài vẫn khiến người dân lo sợ. Viễn cảnh làn sóng bùng phát dịch thứ hai khiến người dân gần như không ra ngoài trong trường hợp cần thiết, dù lệnh phong tỏa hiện chỉ còn hiệu lực ở Vũ Hán. Ngành sản xuất Trung Quốc đã dần phục hồi khi 90% công nhân trở lại nhà máy, nhưng ngành dịch vụ rõ ràng cần nhiều thời gian hơn để sôi động trở lại.

Một người bán hàng rong ở Bắc Kinh than thở: “Tôi chỉ bán được khoảng 100 bát mì mỗi ngày, chưa bằng một nửa so với mức kinh doanh bình thường”. Người này thậm chí phải cắt bỏ nhiều món ăn trong thực đơn do nhu cầu của thực khách giảm mạnh.

1 tháng dỡ bỏ lệnh phong tỏa, ngành dịch vụ Trung Quốc vẫn ảm đạm - Ảnh 2.

Các nhà hàng, quán ăn thậm chí phải cắt bỏ nhiều món ăn trong thực đơn do nhu cầu của thực khách giảm mạnh.

Một cửa hàng sách ở trung tâm thành phố vừa khai trương chính thức sau khi bị hoãn lại 2,5 tháng vì dịch bệnh, nhưng chỉ có 4 khách ghé thăm trong buổi sáng đầu tiên. Một trong số đó là phóng viên đưa tin về dịch bệnh. Tất cả 4 khách hàng đều được yêu cầu kiểm tra thân nhiệt và ghi lại thông tin liên lạc trước khi mua sắm.

Một nhân viên cửa hàng đồ ăn nhanh KFC ở Wangfujing cho hay “chưa bao giờ thấy KFC trong tình trạng vắng khách như hiện tại”, với những bàn ăn gần như trống rỗng. 

Không riêng tại Bắc Kinh, tình hình kinh doanh dịch vụ ảm đạm cũng diễn ra khắp Trung Quốc. Khi 500 rạp chiếu phim trên toàn quốc được phép mở cửa trong tháng 3, trung bình mỗi rạp chỉ đón 2 khách/ ngày, theo thông tin từ South China Morning Post. Nhiều địa phương như Thượng Hải, Tứ Xuyên sau đó tuyên bố tiếp tục đóng cửa các điểm du lịch, rạp phim, phòng karaoke do lo ngại làn sóng bùng phát dịch thứ hai.

Ngành dịch vụ hiện đóng góp khoảng 60% GDP kinh tế Trung Quốc và tạo ra phần lớn việc làm. Sự phục hồi chậm chạp của khu vực dịch vụ do đó đang tạo ra áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu cũng ảm đạm không kém vì dịch bệnh.

Liang Zhonghua, nhà phân tích vĩ mô từ Zhongtai Securities nhận định chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh có thể kéo tăng trưởng kinh tế giảm 4,5% trong quý II.

Các nhà phân tích cũng cho rằng dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn hành vi tiêu dùng của người Trung Quốc, khiến họ chuyển sang ăn uống tại nhà thay vì các bữa ăn tiệm, tìm kiếm dịch vụ giải trí tại nhà như game online, mua sắm cũng được thực hiện qua các nền tảng thương mại điện tử. 

Hôm 1/4, lưu lượng giao thông tại hệ thống tàu điện ngầm Bắc Kinh đo được khoảng 3,05 triệu lượt khách, chưa bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lưu lượng xe hơi hoạt động trong thành phố vẫn thấp hơn 15% cùng kỳ năm 2019.

Cuộc khảo sát của IHS Markit trong tháng 3 chỉ ra chỉ số quản lý thu mua PMI lĩnh vực sản xuất đã tăng trở lại mức mở rộng (>50) nhưng PMI khu vực dịch vụ chỉ đạt 43, tức vẫn nằm sâu trong lãnh thổ thu hẹp.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục