1 tuần sau khi Taliban tiến vào Kabul: Dân Afghanistan mất việc, túng quẫn, “cầu Chúa giúp chúng tôi”

23/08/2021 19:27 GMT+7
Một tuần sau khi Taliban tiến vào Kabul, ngày càng nhiều người dân ở thủ đô của Afghanistan vật lộn để tìm việc làm khi giá lương thực tăng vọt và tiền tiết kiệm bị đóng băng trong các ngân hàng.

Những hình ảnh hàng nghìn người chen chúc bên ngoài sân bay, giành chỗ ngồi trên các chuyến bay rời Kabul đã cung cấp cái nhìn rõ nét nhất về tình trạng hỗn loạn bên trong thủ đô của Afghanistan kể từ khi chính quyền do phương Tây hậu thuẫn sụp đổ và Taliban nắm quyền.

Một tuần đã trôi qua, người dân ở Kabul ngày càng lo lắng khi thức ăn cạn kiệt, tiền tiết kiệm bị đóng băng trong các ngân hàng và tiền thuê nhà sắp đến hạn. Sự bất ổn ngày càng gia tăng ở quốc gia vốn thuộc top nghèo nhất thế giới.

1 tuần sau khi Taliban tiến vào Kabul: Dân Afghanistan mất việc, túng quẫn, “cầu Chúa giúp chúng tôi” - Ảnh 1.

Hàng ngàn người chen chúc trên các chuyến bay rời Kabul, Afghanistan khi Taliban tiến vào thành phố (Ảnh: Reuters)

“Tôi hoàn toàn mất phương hướng. Tôi không biết mình nên lo lắng điều gì trước tiên, an toàn tính mạng của bản thân và gia đình hay kiếm tiền để nuôi con” - một cựu cảnh sát chính quyền cũ hiện đang lẩn trốn khỏi lực lượng Taliban cho hay. Trước kia, anh được trả lương 260 USD mỗi tháng, số tiền dùng để nuôi vợ và 4 người con. Giống như nhiều nhân viên chính phủ cấp thấp hơn, những người thường xuyên bị nợ lương, anh này đã không được trả lương trong suốt 2 tháng qua. Giờ đây, khi chính quyền cũ sụp đổ, cả gia đình anh rơi vào tình trạng kiệt quệ.

“Tôi đang sống trong một căn hộ cho thuê. Đã 3 tháng nay, tôi không có tiền trả cho chủ nhà… Tôi bất lực, không biết phải làm gì” - người đàn ông nói thêm. Tuần này, anh đã cố gắng bán một cặp nhẫn và bông tai của vợ, nhưng các tiệm vàng đều đóng cửa và chẳng có ai mua.

Ngay cả trước khi Taliban tiến vào Kabul, tình hình kinh tế của Afghanistan đã trở nên tồi tệ khi tỷ giá đồng nội tệ so với USD lao dốc mạnh mẽ đẩy giá lương thực, thực phẩm cơ bản tăng vùn vụt. Giá bột mì, gạo và dầu tăng bình quân 10-20% chỉ trong vài ngày. Ngân hàng đóng cửa do cạn tiền mặt, tiền tiết kiệm của người dân mắc kẹt trong tài khoản. Các văn phòng Western Union cũng đóng cửa dẫn đến lượng kiều hối từ nước ngoài cũng cạn theo.

“Một số cửa hàng thực phẩm mở cửa nhưng không có người mua” - một cựu nhân viên chính phủ cũ cho hay. “Mọi thứ đã kết thúc. Không chỉ chính phủ sụp đổ, mà hàng nghìn người như tôi, những người sống phụ thuộc vào mức lương hàng tháng (khoảng 200 USD) do chính phủ chi trả cũng suy sụp theo. Chính phủ đã nợ lương chúng tôi suốt 2 tháng qua, và chúng tôi không có tiền trả nợ. Tôi có mẹ già đau yếu cần thuốc men, con cái và gia đình tôi cần lương thực”.

Tình hình hạn hán nghiêm trọng trên khắp đất nước tiếp tục làm gia tăng những khó khăn mà người dân Afghanistan đang phải đối mặt hiện nay. Không khó để bắt gặp cảnh những người dân ở đây sống sót qua ngày trong những căn lều và nơi trú ẩn tạm bợ.

Các nhóm viện trợ quốc tế đã tuyên bố ngừng các chuyến bay thương mại đến Afghanistan, nghĩa là không có cách nào để người dân ở đây tiếp cận với các nguồn cung viện trợ, thuốc men bên ngoài. Dưới áp lực của Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng tạm dừng khoản tiền 450 triệu USD đáng lẽ sẽ được gửi đến Afghanistan vào đầu tuần tới. 

“Cầu Chúa giúp chúng tôi” - lời cầu nguyện tuyệt vọng từ cựu nhân viên chính phủ giấu tên trong những ngày tháng tăm tối và hỗn loạn của đất nước này.


NTTD
Cùng chuyên mục