100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP cả nước
Ngày 25/6, tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019 thường niên lần thứ 3 với chủ đề “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công”.
Phát biểu tại sự kiện, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ ý kiến của một số Đại biểu Quốc hội khi đề xuất cho phép được nghỉ ngày Doanh nhân gia đình 28/6. "Hiện những giá trị nền tảng gia đình đang lung lay bởi nhiều yếu tố xung đột trong khi đó, cái nôi của nhân văn quan trọng nhất là gia đình. Do đó, chúng tôi đang kiến nghị bổ sung ngày gia đình Việt Nam là ngày nghỉ, Quốc hội đang thảo luận và cho ý kiến”, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết.
Theo đó, Chủ tịch VCCI khẳng định, doanh nghiệp gia đình hay rộng ra là kinh tế gia đình chính là hạt nhân của nền kinh tế tại bất cứ quốc gia nào. Theo khảo sát 10 doanh nghiệp gia đình lớn nhất trên thế giới hiện nay cho thấy tổng số vốn của các doanh nghiệp gia đình này lên đến trên 3.000 tỷ USD.
“Điều này đồng nghĩa những doanh nghiệp gia đình của nền kinh tế thế giới hiện lớn hơn quy mô nền kinh tế Việt Nam. Do đó có thể hiểu họ chính là một nền kinh tế”, Chủ tịch VCCI nhận định.
Cũng theo TS. Vũ Tiến Lộc, hiện 40% GDP trong nền kinh tế thế giới được tạo ra bởi các doanh nghiệp gia đình với những tập đoàn với thương hiệu danh tiếng như Hermès, Ford, Toyota, Samsung, Hyundai, Estée Lauder….
Tại Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp gia đình và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm mã bluechips trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Vietjet, Thành Thành Công, Kido…
Khẳng định các doanh nghiệp gia đình đang đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc một lần nữa nhấn mạnh, thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp gia đình, của hộ kinh doanh cũng là thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước.
Để thành công trong doanh nghiệp gia đình, Chủ tịch VCCI cho rằng, quản trị doanh nghiệp là yếu tố quyết định. “Phải xây dựng được quản trị chuyên nghiệp, không thể gia đình trị và tình trị mà phải kỹ trị và phải có quản lý chuyên môn chuyên nghiệp. Các thành viên gia đình được khuyến khích tham gia vào đầu tư, quản trị doanh nghiệp. Khi tuyển dụng các thành viên gia đình vào các vị trí quản trị phải nghiêm ngặt như tuyển dụng các nhân sự bên ngoài khác. Có vậy doanh nghiệp mới phát triển, nếu không muốn phải đối mặt sự thua kém doanh nghiệp khác và rồi thất bại”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Kinh nghiệm thành công của các tập đoàn, doanh nghiệp gia đình trên thế giới cũng cho thấy bài học tuyển dụng các thành viên vào vị trí quản trị phải chuyên ngiệp. Thậm chí, nếu thành viên gia đình không đảm bảo năng lực quản trị hoàn toàn có thể tuyển dụng nhân sự quản trị từ bên ngoài. Tuy nhiên, các thành viên gia đình sẽ thuận lợi hơn nhiều so với nhân sự từ bên ngoài bởi bên cạnh năng lực trong quản trị sẽ là sự gắn kết gia đình.