36,5 triệu người Mỹ mất việc trong 2 tháng, triển vọng nào cho kinh tế Mỹ?
36,5 triệu người Mỹ mất việc trong 2 tháng
Trong tuần trước, có 2,981 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, qua đó đưa số người Mỹ mất việc trong 2 tháng gần đây lên 36,5 triệu người - làn sóng mất việc lớn nhất trong lịch sử thị trường lao động Mỹ. Con số này tồi tệ hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích Dow Jones rằng chỉ có 2,7 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần đầu tháng 5.
Trước đó, Bộ Lao động đã điều chỉnh tăng mức đơn xin trợ cấp thất nghiệp của tuần cuối tháng 4 lên 3,176 triệu đơn, tức tăng 7.000 đơn so với con số được công bố đầu tiên.
Dù cho số ca nhiễm mới Covid-19 tại Mỹ đã giảm mạnh và nền kinh tế đang có xu hướng dần khôi phục, tình trạng thất nghiệp vẫn lan tràn khắp nước Mỹ. Bộ Lao động Mỹ báo cáo 20,5 triệu người mất việc trong tháng 4, đưa tỷ lệ thất nghiệp nhảy vọt lên 14,7%, mức cao kỷ lục kể từ Thế chiến II đến nay. Nhiều chuyên gia dự đoán tỷ lệ thất nghiệp thực tế trong nền kinh tế hiện đã vượt qua con số 20%.
Còn Cục Dự trữ Liên bang FED thì cho biết gần 40% người Mỹ có thu nhập thấp đã bị mất việc kể từ khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 bắt đầu tấn công nền kinh tế Mỹ cho đến nay. Một báo cáo được FED công bố hôm 14/5 cho thấy cứ trong 5 người Mỹ trưởng thành đang có việc làm thì có 1 người đã bị sa thải tạm thời trong hai tháng vừa qua. Nhưng những người có thu nhập thấp là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả.
39% những người có thu nhập hộ gia đình dưới 40.000 USD/ năm đã bị mất việc trong 2 tháng vừa qua. Nhưng chỉ có 19% người Mỹ có thu nhập hộ gia đình từ 40.000-100.000 USD/ năm bị mất việc. Và chỉ 13% người Mỹ có thu nhập hộ gia đình trên 100.000 tạm ngừng công việc của mình. Nghĩa là tỷ lệ người thu nhập thấp mất việc cao gấp 3 lần tỷ lệ người thu nhập cao mất việc.
Chỉ 64% những người bị mất việc hoặc giảm giờ làm có khả năng thanh toán đầy đủ hóa đơn và khoản nợ trong tháng 4, báo cáo của FED nhấn mạnh.
Peter Boockvar, giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group dù vậy có cái nhìn khá lạc quan khi cho rằng việc tái mở cửa nền kinh tế trong những tháng tới sẽ đưa đa số người Mỹ trở lại với công việc của mình.
Paul Ashworth, nhà kinh tế Mỹ tại Capital Economics cũng đồng quan điểm khi cho rằng bức tranh thị trường lao động sẽ trở nên sáng sủa hơn khi các bang bắt đầu nới lỏng lệnh hạn chế từng phần.
Doanh số bán lẻ tháng 4 dự báo giảm kỷ lục
Các nhà kinh tế dự kiến doanh số bán lẻ tháng 4 tại Mỹ giảm mạnh 12,3%, tức vượt xa mức giảm kỷ lục 8,7% hồi tháng 3. Báo cáo doanh số bán lẻ chính thức sẽ được phát hành vào ngày 15/5 (giờ Mỹ), qua đó vẽ nên bức tranh hoạt động tiêu dùng trong tháng 4, thời điểm nền kinh tế gần như đóng băng vì đại dịch.
James Knightley, nhà kinh tế quốc tế tại ING nhận định doanh số bán lẻ hàng năm đang trên đà hướng tới sự suy giảm kỷ lục 45%. “Sự phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào người tiêu dùng, bởi đây là cuộc suy thoái kinh tế đầu tiên bắt nguồn từ lĩnh vực dịch vụ. Còn người tiêu dùng lại phụ thuộc vào các công ty, xem liệu sự sa thải hiện tại là tạm thời hay vĩnh viễn”.
Chi tiêu tiêu dùng đóng góp tới 70% tổng GDP quốc gia Mỹ. Do đó, nhà kinh tế James Knightley dự kiến GDP quý II có nguy cơ giảm tới 30% do sự gián đoạn của nền kinh tế và chi tiêu tiêu dùng.
Đồng tình với James Knightley, hầu hết các nhà kinh tế cũng dự báo doanh số bán lẻ tháng 4 giảm mạnh trong bối cảnh người tiêu dùng chôn chân tại nhà, trung tâm thương mại và cửa hàng đóng cửa, mọi hoạt động trường học và sự kiện ngừng diễn ra.