46,8 triệu triệu phú trên thế giới đang nắm giữ gần nửa tổng tài sản toàn cầu

22/10/2019 16:26 GMT+7
Theo một thống kê mới đây của Credit Suisse, cả thế giới trong năm 2019 có tới gần 47 triệu nhà triệu phú, và những người này hiện đang nắm giữ gần một nửa tài sản trên toàn thế giới.

Bất chấp chiến tranh thương mại và hàng loạt biến động chính trị - kinh tế thế giới khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, tổng số triệu phú thế giới hiện đã tăng lên 46,8 triệu người, tức tăng 1,1 triệu người so với hồi giữa năm 2018. 46,8 triệu người này hiện đang nắm giữ 43,9% tổng tài sản của thế giới, ước tính khoảng 158,3 nghìn tỷ USD, cũng theo báo cáo Global Wealth Report từ Credit Suisse.

Mỹ hiện vẫn dẫn đầu danh sách số lượng triệu phú thế giới, với tổng số 18,6 triệu người tính đến giữa năm 2019, tăng 675.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể 187.000 người, đưa tổng số triệu phú của đất nước Samurai lên hơn 3 triệu người. Còn ở Trung Quốc, nền kinh tế vốn đang giảm tốc mạnh mẽ do căng thẳng thương mại vẫn ghi nhận thêm 158.000 triệu phú mới, nâng tổng số triệu phú lên 4,5 triệu người.

46,8 triệu triệu phú trên thế giới đang nắm giữ gần nửa tổng tài sản toàn cầu - Ảnh 1.

Tháp của cải chỉ ra 46,8 triệu phú thế giới đang nắm giữ 43,9% tổng số tài sản toàn cầu

Trái với xu hướng tăng của các nền kinh tế khác, số lượng triệu phú tại Úc lại giảm 124.000 người xuống còn 1,2 triệu người. Nguyên nhân sự sụt giảm không đến từ vấn đề kinh tế giảm tốc, mà đến từ tỷ giá hối đoái do giá trị USD ngày càng tăng cao so với AUD.

Dù rằng Mỹ vượt xa Trung Quốc về số lượng triệu phú, nhưng nếu tính trên số lượng người giàu nằm trong top 10% giàu nhất thế giới thì Trung Quốc mới đây đã vượt mặt Mỹ theo báo cáo của Credit Suisse.

Báo cáo của tổ chức này cũng chỉ ra sự tập trung của cải vào một bộ phận nhỏ người giàu trên thế giới. Trong khi đó, 90% dân số trưởng thành toàn cầu, tức 4,5 tỷ người chỉ chiếm tới 18% tổng tài sản của thế giới.

Tuy nhiên, một xu hướng tích cực là sự bất bình đẳng giàu nghèo đang có xu hướng giảm đi trong một vài năm qua. Năm 2000, nếu như 1% dân số giàu nhất thế giới kiểm soát tới 47% tổng tài sản thì đến năm 2019, 1% dân số giàu nhất thế giới chỉ còn nắm 45% tài sản trong tay, tức giảm 2%. Một lý do giải thích cho sự suy giảm tích cực này là tầng lớp trung lưu toàn cầu đang ngày một tăng lên. Phân khúc người có tài sản 10.000 - 100.000 USD đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2000 đến nay, tức tăng lên 1,7 tỷ người. Dự kiến, xu hướng giảm bất bình đẳng sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo khi tầng lớp trung lưu thế giới tăng nhanh.

Thực chất, vấn đề bất bình đẳng thu nhập từ lâu đã trở thành điểm nóng trong các phiên tranh luận Quốc hội Mỹ. Nhiều ý kiến đề xuất nên áp dụng mức thuế suất lý tưởng 75% với 1% người giàu nhất nước Mỹ, tức những người kiếm được trên 500.000 USD trong năm 2019, tức tăng gần gấp đôi so với mức thuế hiện hành. Các chuyên gia nhận định đây là mức thuế hoàn toàn phù hợp, không quá thấp để làm tăng gánh nặng bất bình đẳng nhưng cũng không quá cao để gây ra tình trạng trốn thuế không thể kiểm soát. Tuy nhiên, những ứng viên tranh cử Tổng thống và cả các nhà lập pháp Mỹ đều đang tỏ ra thận trọng khi nhắc tới mức thuế lý tưởng, điều có khả năng sẽ gây nên phản ứng xã hội rộng rãi trên toàn đất nước.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục