Agribank góp phần phát triển thương hiệu Khóm Tắc Cậu.
Khóm Tắc Cậu- đệ nhất khóm Nam bộ.
Những người nông dân sinh sống lâu đời ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, cho biết: Cây khóm Tắc Cậu được đem về trồng ở vùng đất này cách đây khoảng 80 năm. Bén duyên với vùng đất này, cây khóm Tắc Cậu bén rể và phát triển ra nhiều địa phương thuộc tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang… Nhưng tập trung nhất, chất lượng nhất vẫn là ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, với tổng diện tích khoảng 1.700 ha.
Xã Bình An (huyện Châu Thành) được xem là thủ phủ của cây khóm, với tổng diện tích trồng lên đến 1.200 ha (có khoảng trên 1.000 hộ trồng). Do thích nghi với thổ nhưỡng của vùng đất phèn, nhiễm mặn, nên cây khóm ở Bình An sinh trưởng tốt. Đặc biệt, trái khóm khi chín, có hương vị thơm ngon, giòn, ngọt đậm đà và có màu vàng rất bắt mắt. Cho nên từ lâu nay khóm Tắc Cậu được mệnh danh là Khóm đệ nhất Nam bộ.
Năm 2013, khóm Tắc Cậu được cấp chứng nhận thương hiệu tập thể. Đây là bước ngoặt quan trọng để thương hiệu Khóm Tắc Cậu ngày càng lớn mạnh và vươn xa.
Agribank đồng hành Khóm Tắc Cậu
Cây khóm sau khi trồng khoảng một năm thì bắt đầu cho trái. Muốn duy trì năng suất cao thì sau 3 năm trồng, phải cải tạo đất trồng lại. Muốn vậy, người trồng khóm phải có nguồn vốn kha khá để đầu tư.
Thấu hiểu những khó khăn và nhu về vốn của người nông dân, Agribank đã luôn đồng hành, đầu tư thỏa đáng cho vùng trồng này.
bà Võ Thị Hiền, ở ấp An Thành (xã Bình An), cho biết: Trước đây gia đình bà có 10 công đất trồng lúa. Nhưng thấy trồng lúa có thu nhập thấp và không ổn định, nên cách nay 3 năm, bà Hiền quyết định đi vay vốn Agribank về cải tạo đất, lên liếp trồng xen canh Khóm- Cau- Dừa. Nhờ được chăm sóc kỹ, nên khu vườn mới của gia đình bà Hiền phát triển rất tốt. Đặc biệt là cây khóm, sau hơn 1 năm xuống giống đã cho thu nhập rất khả quan. Bà Hiền cho biết: Hồi đầu vụ, khóm bán được giá 10.000 - 12.000 đồng/kg, nay giữa vụ, khóm giảm xuống còn 7.500 đồng/kg, mặc dù vậy so với lúa cũng còn lời gấp 3- 4 lần.
Ông Trương Tiết Siến, một trong những hộ thực hiện mô hình trồng xen Khóm- Cau- Dừa lâu đời nhất ở xã Bình An cho biết: 3 loại cây trồng xen này, cây nào cũng cho hoa lợi hấp dẫn. Tuy nhiên, tùy theo thời giá mà đánh giá hiệu quả kinh tế của từng loại cây. Ông cũng cho biết thêm: "Sở dĩ 7 ha Khóm- Cau- Dừa của gia đình được sung túc như bây giờ, là nhờ có nguồn vốn 600 triệu vay ở Agribank. Hiện nay, chỉ tính riêng thu nhập từ cây khóm, mỗi năm gia đình ông thu về trên 300 triệu đồng".
Theo thống kê của Agribank Chi nhánh Kiên Giang II, năm 2019 tổng dư nợ của Chi nhánh đạt trên 7.600 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cho vay khu vực Nông nghiệp, Nông thôn chiếm tỷ lệ trên 98%.
Nhờ có nguồn vốn vay ổn định và lãi suất hợp lý của Agribank, bà con nông dân ở đây có điều kiện đầu tư cải tạo mương liếp, góp phần tăng năng suất, chất lượng của cây khóm Tắc Cậu. Những năm gần đây, nhờ nắm vững kỹ thuật thâm canh, nên người trồng khóm đã có thể chủ động được thời vụ, điều tiết cho khóm ra trái nghịch mùa. Nhờ vậy mà đã khắc phục được cảnh dội hàng, dội chợ. Từ đó cuộc sống của người dân nhờ vậy mà ngày càng khấm khá hơn. Đến cuối năm 2019, toàn xã Bình An đã giảm được gần 90 hộ nghèo, cận nghèo. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của địa phương chỉ còn 2,87%- giảm gần 1% so với năm rồi.
Trên đà thắng lợi này, hiện nay một số người dân trồng lúa ở đây đang có kế hoạch lên liếp thực hiện mô hình xen canh Khóm- Cau- Dừa. Agribank địa phương cũng đã cử cán bộ đến khảo sát và sẵn sàng tiếp sức cho bà con mình. Tin rằng, với sự đồng hành của Agribank này, người trồng khóm Tắc Cậu sẽ tiếp tục có những mùa khóm ngọt.