Nhiều nông dân xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên, An Giang có thu nhập ổn định nhờ trồng dâu tằm (nguồn giống từ Đà Lạt).
Hiện toàn xã Mỹ Khánh có gần 20 hộ trồng dâu tằm ăn với diện tích 2,5ha, được xem là mô hình điểm đầu tiên của tỉnh An Giang trồng giống cây này đem lại kinh tế cao.
Ông Trần Ngọc Tuấn ở ấp Bình Hòa, xã Mỹ Khánh là một trong những nông dân đầu tiên trong trồng cây dâu tằm ăn mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Xuất thân từ gia đình nông dân sẵn có đất vườn, ông Tuấn có kinh nghiệm trồng rất nhiều loại cây ăn trái và làm lúa. Đến năm 2009, tình cờ người bạn ở Đà Lạt giới thiệu ông trồng thử cây dâu tằm. Lúc đầu cũng chỉ trồng vài cây xem thử ra sao, có phù hợp với đất không.
Ông Thuận cho biết, qua nhiều năm trồng dâu tằm, được xem là giống cây nhanh đem lại lợi nhuận cao mà dễ trồng và thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu. Cây trồng từ 10-12 tháng bắt đầu cho trái, thời gian thu hoạch mỗi vụ kéo dài 2 -2,5 tháng.
Đặc biệt trồng dâu tằm ăn là không tốn nhiều chi phí đầu tư phân bón và thuốc BVTV... trồng một lần cây cho trái và kéo dài thời gian khoảng 5-7 năm mới trồng lại mới. Bình quân một công (1.000m2) trồng dâu tằm ăn đem lại lợi nhuận bằng 7-8 lần so với trồng lúa.
Hiện nhà ông trồng được trên 200 gốc dâu tằm trên diện tích 3 công. Theo nhẩm tính của ông Tuấn, mỗi công một năm cho 3 vụ trái. Bình quân mỗi đợt cây cho từ 25-50kg/cây/vụ. Hiện giá bán 50.000 đồng/kg mà không đủ hàng để cung cấp cho thị trường.
Ước tính mỗi năm thu được gần 400 triệu, đó là chưa kể đến các sản phẩm từ dâu như: mứt, nước cốt, rượu và bán cây giống… Với 200 gốc dâu ông Tuấn trồng dây chuyền tiếp nối nhau để có dâu thu hoạch quanh năm bán.
Ông Tuấn cho biết thêm, ngoài trồng dâu tằm ăn bán cho thương lái, ông còn có ý tưởng khi dâu vào mùa chín rộ, cho khách vào vườn vui chơi dưới tán dâu để chụp hình quay phim… Khi khách có nhu cầu mua dâu tươi, uống nước dâu tại chỗ hay mua rượu dâu, nước cốt dâu mang về, ông mới tính tiền.
Mỗi khi được hỏi về câu chuyện đem dâu tằm Đà Lạt về An Giang trồng, lão nông Trần Ngọc Tuấn đều tâm đắc: Giống cây này dễ trồng, cho năng suất cao, lại chế ra nhiều sản phẩm hữu ích cho người tiêu dùng và đặc biệt trái cây trồng theo tự nhiên và bón phân hữu cơ nên đảm bảo về chất lượng an toàn. Tiêu thụ không hết thì ủ làm nước cốt dâu, mứt dâu, siro dâu, rượu dâu… chẳng sợ hư hao gì.
Ông Nguyễn Thái Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, cho biết: Hiện nay những hộ trồng dâu tằm ăn tại địa phương đã tận dụng kết hợp với du lịch sinh thái khi vào mùa thu hoạch dâu để tăng thêm thu nhập. Từ kết quả đó, xã đang khuyến khích thành lập HTX dâu tằm ăn và mở rộng diện tích trồng trong thời gian tới. Đặc biệt hơn tại xã còn xây dựng được sản phẩm OCOP thương hiệu “Nước cốt dâu tằm ăn” đạt chuẩn 3 sao.
Bò 3B - Hướng đi của người dân Củ Chi Với năng suất, chất lượng và hiệu quả vượt trội, bò 3B được nhiều người dân Củ Chi (TP.HCM) lựa chọn nhằm thay thế việc tái đàn lợn đang gặp rất nhiều khó khăn…