Bán nông sản kiểu một cửa ở Bangladesh
"Xuất thân trong một gia đình làm nông, thuở nhỏ, tôi rất thấm thía nỗi cơ cực của bố mẹ khi đem bán nông sản. Họ bị bên trung gian ép giá, và không nhận được bất cứ lời tư vấn trồng trọt thích hợp nào.
Ngoài ra, chuỗi cung ứng nông sản theo kiểu truyền thống còn có thể phát sinh những gian lận và thực phẩm thiếu an toàn. Chúng tôi muốn nông dân coi nông nghiệp là một công việc kinh doanh hơn là một kế sinh nhai.
Đó là lý do thúc đẩy chúng tôi tạo ra Krishi Shwapno vào năm 2019", Sayed Zubaer Hasan, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp này cho biết.
Krishi Shwapno là một nền tảng công nghệ nông nghiệp và kinh doanh dựa trên blockchain, nơi người nông dân được kết nối trực tiếp với doanh nghiệp của họ để đảm bảo giá cả hợp lý và thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Vào bất kỳ lúc nào, dựa trên thời gian thực, người mua cũng có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Về phía người bán, nông dân biết giá công khai của những nông sản khác trong cùng nhóm ngành hàng, tránh được việc bán giá quá cao hoặc quá thấp.
Hơn 76% nông dân của Bangladesh làm việc trên các vùng đất nhỏ và biên giới. Họ mất một phần đáng kể doanh thu khi bán sản phẩm cho những tiểu thương trung gian. Để tránh điều ấy, Krishi Shwapno đưa ra giải pháp một cửa bằng công nghệ blockchain.
Mỗi người nông dân, khi sử dụng Krishi Shwapno, họ chỉ cần đăng ký một tài khoản, sau đó cập nhật tình hình phát triển nông sản theo từng ngày, thậm chí nửa ngày lên gian hàng ảo của mình. Đến lúc thu mua, các đại lý cũng không trả giá ngay, mà chở thẳng đến các điểm tiêu thụ.
"Chúng tôi để việc định giá cho hai bên mua bán thương lượng. Một sản phẩm tốt, minh bạch từ khâu đầu vào, rõ ràng cần phải được bán với giá cao hơn", Hasan nhấn mạnh.
Là một phần của Youth Co: Lab, phong trào khởi nghiệp xã hội thanh niên lớn nhất Châu Á và Thái Bình Dương, do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Citi Foundation đồng sáng lập, Krishi Shwapno là một trong nhiều chương trình khởi nghiệp sớm có tác động mạnh mẽ đến nông nghiệp và môi trường Bangladesh.
Do cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc ở đất nước Nam Á này còn nhiều thiếu thốn, nông dân có thói quen bán những gì gieo trồng theo thói quen, thay vì dựa trên quy luật cung cầu của thị trường.
Krishi Shwapno cho họ cơ hội đổi đời, khi thiết lập mỗi điểm truy cập Internet tại một vùng canh tác. Thông qua máy tính, nông dân biết chính xác mình sẽ nhận bao tiền khi hết vụ.
Bên cạnh sáng kiến bán hàng một cửa, Bangladesh còn đi đầu trong việc thiết kế vườn nổi để gieo trồng, như một cách để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tại miền Nam nước này, người dân luôn nơm nớp nỗi lo bị nhiễm mặn do nước biển dâng cao, có năm lấn sâu tới 160km vào đất liền và đe dọa 40% đất nông nghiệp khu vực.
Không thể trông chờ vào những con đê tránh lũ, Mahmud Shamsuddoha, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển ở thủ đô Dhaka kêu gọi người dân ở những khu vực nhiễm mặt cải tạo đất.
Ngôi làng Nazir Bazar ở quận Piorjasta thay da đổi thịt kể từ khi sáng kiến này đi vào cuộc sống. Nó vốn mọc lên từ một khu rừng đầm lầy, nơi người dân hàng tháng phải đổ đất lên mặt đầm và đào nhiều kênh dẫn nước đan xen chằng chịt, tạo ra một nền móng vững chắc cho khu vườn.
Giassudin Saddar, một nông dân tại làng, cho biết những vật liệu có sẵn như rơm rạ, lục bình, tre nứa… được dùng để tạo ra những chiếc bè hữu cơ, thậm chí là cả một hòn đảo nhân tạo, nổi trên mặt nước.
"Nước lên tới đâu, chúng tôi đổ thêm đất cao tới đó", ông nói. Sau hơn một năm, ngôi làng này bắt đầu trồng được hai, thậm chí ba vụ hoa màu một năm. Càng đáng mừng hơn, khi cây trồng trên vườn nổi ít bị bệnh và không đòi hỏi nhiều phân bón, thuốc trừ sâu.
Nhằm hướng tới nền nông nghiệp bền vững, giới chức Bangladesh rất quan tâm tới việc gìn giữ môi trường, cảnh quan.
Ở khu vực xa xôi hẻo lánh của vùng biên giới Bandarban, nơi sót lại những khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, dự án "Bảo toàn đồ thủ công" được đẩy mạnh.
Dựa trên ý tưởng, là phụ nữ và trẻ em bản địa đều là thợ thủ công có tay nghề cao, chính quyền đã tạo ra một chuỗi cung ứng để tiếp thị các sản phẩm từ tre, nứa tại các siêu thị lớn, giúp thợ thủ công không phải phá rừng làm nương rẫy như trước.
Các chế phẩm sinh học an toàn hoặc tái chế cũng được giới khoa học Bangladesh tập trung nghiên cứu. Một trong những thành tựu là công ty chuyên xử lý chất thải Garbageman.
Người sáng lập Fahim Uddin Shuvo nói: "Chúng tôi muốn giảm số lượng bãi chôn lấp chất thải trong tương lai bằng cách chuyển chúng thành nguyên liệu". Từ năm 2018, công ty tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người nhặt rác. Họ được khuyến khích phân loại rác tại nguồn, thành chất thải hữu cơ và vô cơ. Đổi lại, giá thu mua sẽ cao hơn từ gấp rưỡi đến gấp đôi.
Biotech Bangladesh, lại là công ty chuyên tái chế dầu ăn qua sử dụng thành diesel sinh học. Abdulla Al Hamid, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành, chia sẻ: "Chúng tôi đến đặt vấn đề với tất cả nhà hàng trong vùng, và khuyên họ không đổ thẳng dầu ăn xuống cống, hoặc sông, suối.
Thay vào đó, họ đổ dầu thừa vào thùng chứa. Sau khi chúng tôi thu gom, tái chế thành diesel sinh học, các nhà hàng sẽ được hưởng một phần hoa hồng trong việc bán hàng".
Manh nha ý tưởng từ năm 2015, đi vào hoạt động một năm sau đó, công nghiệp chế biến diesel sinh học của Bangladesh hiện có nhiều tín hiệu lạc quan. Họ sản xuất trung bình 6 tấn diesel sinh học một tháng, và dự kiến tăng năng lực lên tới 1.500 tấn vào năm 2025.