Bí mật đằng sau vụ lật đổ cựu chủ tịch Nissan
Bloomberg cho biết theo một số nguồn tin nội bộ, các quan chức cấp cao tại Nissan Motor Co. đã mở chiến dịch lật đổ ông Ghosn khoảng một năm trước khi Chủ tịch kiêm CEO của hãng bị bắt giữ vào cuối năm 2018 vì tội gian lận tài chính. Một phần lý do là họ phản đối việc ông Ghosn quyết liệt thắt chặt quan hệ hợp tác giữa nhà sản xuất ôtô Nhật Bản và đối tác Renault SA.
Nissan luôn khẳng định việc ông Ghosn bị các công tố viên Nhật Bản cáo buộc trốn thuế và gian lận tài chính là nguyên nhân khiến ông mất chức. Tuy nhiên, một số email nội bộ và thông tin từ những người có liên quan cho thấy có một nhóm lãnh đạo công ty coi chuyện ông Ghosn bị bắt giữ là cơ hội để cải tổ quan hệ với Renault theo chiều hướng có lợi cho Nissan.
Các email nội bộ từ tháng 2/2018 cho thấy một số giám đốc cấp cao của Nissan rất lo ngại với việc chủ tịch Ghosh thắt chặt quan hệ với Renault. Một trong số đó là cựu Phó chủ tịch cao cấp Hari Nada, người ký thỏa thuận với các công tố viên để đưa lời khai chống lại ông Ghosn.
Lo ngại với liên minh Nissan - Renault
"Nissan cần hành động để vô hiệu hóa sáng kiến của ông ta (Ghosn) trước ki quá muộn", ông Nada viết hồi giữa năm 2018 trong một bức thư điện tử gửi tới Hitoshi Kawaguchi, một giám đốc Nissan phụ trách quan hệ với chính phủ.
Ngày 18/11/2018, một ngày trước khi ông Ghosn bị bắt giữ tại sân bay Hadena ở Tokyo, ông Nada gửi một bản ghi nhớ cho Giám đốc Điều hành Hiroto Saikawa. Trong đó, ông Nada kêu gọi Nissan chấm dứt thỏa thuận liên minh với Renault và khôi phục lại quyền mua cổ phiếu hãng xe Pháp, thậm chí thâu tóm đối tác này.
Ngoài ra, Nissan sẽ hủy bỏ quyền chỉ định giám đốc điều hành và các vị trí lãnh đạo cao cấp khác tại hãng xe Nhật Bản của Renault. Ông Nada nhấn mạnh việc loại bỏ ông Ghosn sẽ dẫn tới những thay đổi lớn tại liên minh xe hơi lớn nhất thế giới. Nada cho rằng Nissan cần hành động nhanh sau khi ông Ghosn bị bắt.
Hồi tháng 1/2019, Bloomberg đưa tin Renault hoàn toàn không biết gì về cuộc điều tra nhắm vào ông Ghosn. Bất đồng giữa Nissan và Renault khiến chiến dịch của tập đoàn Pháp nhằm sáp nhập với Fiat Chrysler Automobiles NV đổ bể. Trong khi đó, nội bộ Nissan cũng xào xáo và lợi nhuận lao dốc.
Tháng 5 năm nay, Nissan báo lỗ 671 tỷ yen (6,3 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3. Đây là khoản lỗ lớn nhất trong vòng 20 năm qua của hãng xe Nhật Bản. Bê bối nội bộ và đại dịch Covid-19 kéo tuột giá cổ phiếu Nissan tới 50% so với thời điểm ông Ghosn mới bị bắt.
Các trao đổi giữa ông Nada với ông Saikawa và các giám đốc cấp cao khác trong Nissan cho thấy sự lo ngại lớn về việc ông Ghosh thúc đẩy mối quan hệ liên minh Nissan - Renault. Theo mô hình này, công ty Pháp nắm 43% cổ phần hãng xe Nhật Bản. Renault giải cứu Nissan trước bờ vực phá sản hồi năm 1999 với một khoản đầu tư khổng lồ.
Khi đó, Renault đã cử ông Ghosn tới Nissan. Cuộc giải cứu đó được đánh giá là một trong những chiến dịch "trục vớt" ấn tượng nhất trong lịch sử ngành xe hơi quốc tế. Nhưng sau hai thập kỷ, khi ông Ghosn đôn đáo với vai trò CEO Renault và chủ tịch liên minh Nissan - Renault, hãng xe Nhật Bản bắt đầu lao dốc.
Ông Nada nói với ông Saikawa hồi tháng 4/2018 rằng ông Ghosn tỏ ra rất khó chịu với kết quả kinh doanh của Nissan và những lời bình luận rằng "không có lý do gì để sáp nhập Nissan với Renault". "Ông ta có thể gây rắc rối lớn và ông sẽ lĩnh hậu quả", ông Nada viết cho ông Saikawa. Một tháng sau đó, Nissan công bố dự báo lợi nhuận thấp hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên môn.
Con tốt thí
Ông Ghosn bị cáo buộc khai thiếu 80 triệu USD thu nhập cá nhân và biển thủ công quỹ của Nissan. Chủ tịch Nissan bác bỏ mọi cáo buộc và trốn sang Lebanon hồi cuối năm ngoái. Hai người Mỹ bị cáo buộc tiếp tay cho ông Ghosn đã bị bắt giữ tại Boston (Mỹ) hồi tháng trước theo đề nghị của chính phủ Nhật Bản.
Ông Greg Kelly, cựu thành viên Hội đồng quản trị Nissan, bị bắt cùng ngày với ông Ghosn và được tại ngoại. Hiện ông Kelly đang chờ ra hầu tòa vì tội giúp ông Ghosn gian lận tài chính. Phía Nissan luôn khẳng định ông Ghosn và ông Kelly đã phạm tội. Cả hai đều bác bỏ mọi cáo buộc.
Ông Nada là người tổ chức cuộc điều tra nội bộ tại Nissan. Các bức mail cho thấy ông Nada từng đến Brazil và Lebanon để điều tra cách ông Ghosn sử dụng các ngôi nhà của công ty. Vài ngày trước khi ông Ghosn bị bắt, ông Nada nói với ông Saikawa rằng Nissan cần tăng nặng cáo buộc nhắm vào ông Ghosn. Ông Nada khẳng định truyền thông Nhật Bản cần phá hủy hoàn toàn uy tín của ông Ghosn.
Hồi tháng 9/2019, ông Saikawa từ chức sau khi bị phát hiện nhận lương thưởng cao hơn quy định. Ông Nada và nhiều quan chức khác cũng được trả quá cao.
Các bức email cũng cho thấy Nissan có thể đã nhúng tay vào vụ bắt giữ ông Kelly bằng cách triệu tập ông từ Mỹ về Nhật Bản để dự một cuộc họp Hội đồng quản trị. "Greg muốn nghỉ lễ Tạ ơn trước khi đến Nhật Bản. Ông ta có thể sẽ không bao giờ quay lại Nhật Bản. Tôi sẽ đưa một may bay tới hốt ông ta", ông Nada viết cho ông Saikawa.
Luật sư của ông Kelly là James Wareham khẳng định thân chủ của mình không phạm luật. "Greg Kelly bị cuốn vào chiến dịch loại bỏ ông Ghosn và hạn chế ảnh hưởng của Renault. Để thực hiện ý đồ này, họ (các lãnh đạo Nissan) muốn có một nhân chứng mà họ có thể kiểm soát, và họ làm mọi cách để có được người đó", luật sư Wareham nhấn mạnh.
Sau các vụ bắt giữ, Nissan đã đạt một thỏa thuận thay đổi quan hệ đối tác với Renault. Tuy nhiên thỏa thuận tháng 3/2019 không đem lại nhiều thay đổi như Nissan mong đợi. Tập đoàn Nhật Bản có thêm tiếng nói trong việc bổ nhiệm giám đốc và loại bỏ liên minh cũ của ông Ghosn, nhưng cơ cấu cổ đông vẫn được duy trì như cũ.
Cuối năm ngoái, Nissan cản trở kế hoạch sáp nhập với Fiat Chrysler của Renault. Sau khi Saikawa ra đi vào tháng 9/2019, một bộ ba quyền lực lên nắm quyền ở Nissan. Tuy nhiên, Giám đốc Jun Seki sớm từ chức. CEO Makoto Uchida và Giám đốc Ashwani Gupta đang bám trụ với nhiệm vụ khôi phục Nissan dù nền kinh tế toàn cầu đang lao dốc vì dịch Covid-19.